Tiếp xúc với giới báo chí tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 7-11 vừa qua, ông el-Araby lên tiếng thúc giục phe đối lập tại Syria sớm giải quyết những mối bất đồng không đáng có trong nội bộ tổ chức nhân hội nghị khoáng đại của Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) đang diễn ra tại Qatar. Hội nghị được triệu tập nhằm bầu ra một chủ tịch SNC và hai bộ phận lãnh đạo, song vẫn chưa thể khắc phục một số mặt yếu kém trong cuộc đấu tranh đầy bất trắc với chính quyền đương nhiệm Syria.
Chủ tịch Liên đoàn Ả Rập Nabil el-Araby (trái) cùng ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự hậu thuẫn của phương Tây đối với SNC ngày càng mạnh mẽ hơn trước. Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi một sự can thiệp tích cực hơn nữa của quốc tế nhằm sớm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại Syria. Về phần mình, ông sẽ thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama về những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết vấn đề Syria. Một trong những động thái sắp tới của chính quyền London là đàm phán trực tiếp với phe nổi dậy, nhưng Ngoại trưởng William Hague khẳng định với nghị viện Anh là sẽ không cung cấp vũ khí cho SNC, đồng thời cũng sẽ lưu ý họ về tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người. Đi xa hơn quan điểm của chính quyền Anh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ loan báo là chính quyền Ankara đang bàn thảo với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về khả năng triển khai hệ thống tên lửa Patriot có tác dụng chống tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, bổ sung vào hệ thống phòng thủ đã được bố trí dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria. Trong quá khứ, với tư cách một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần yêu cầu triển khai hệ thống tên lửa Patriot trên lãnh thổ họ vào đầu các thập niên 1990 và 2000, trong khuôn khổ cuộc xung đột với Iraq.
Mấy ngày vừa qua, theo nhận định của ông Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman, dư luận đang quan tâm đến một đề nghị bốn điểm của Trung Quốc nhằm đưa đến một giải pháp chính trị cho Syria. Đề nghị này được Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa ra trong cuộc hội đàm với ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc – Liên đoàn Ả Rập, tại Bắc Kinh ngày 31-10-2012. Nội dung văn kiện này gồm bốn điểm then chốt: tạm ngưng xung đột và bạo lực; chính quyền Syria chỉ định một người đối thoại có thẩm quyền để thương thảo lộ trình chuyển tiếp về mặt chính trị; kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của ông Brahimi; và tiến hành các bước cụ thể nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Ông Feltman cho rằng tình hình bên trong Syria đang ngày càng tồi tệ và nguy cơ bùng nổ cuộc khủng hoảng ra bên ngoài là điều có thể xảy ra. Ông hy vọng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có một quan điểm và hành động thống nhất về vấn đề Syria, song điều này còn khá xa vời, nhất là khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad cương quyết bác bỏ bất cứ một giải pháp nào bao gồm sự lưu vong của ông. “Tôi sẽ sống và chết trên đất nước này” là lời khẳng định đanh thép của ông Assad trong cuộc trả lời phỏng vấn được các phương tiện truyền thông phổ biến vào ngày 9-11 vừa qua, cũng làm tắt đi tia hy vọng về một sự dàn xếp khả dĩ giúp cho Syria thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Lê Nguyễn tổng hợp