Đến năm 2025, tổng dân số của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ lên đến con số 4,4 tỉ người. Sau đó 40 năm nữa, dân số sống trong các đô thị ở châu Á sẽ tăng từ 1,9 tỉ người hiện nay lên 3,2 tỉ người. Khuynh hướng rõ nét của thời kỳ này là số người có thu nhập trung bình sẽ tăng đến khoảng 2 tỉ người vào năm 2050. Chiều hướng này có những thuận lợi, nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có vấn đề công ăn việc làm, quản lý dịch vụ, hoặc một môi trường trong sạch.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, châu Á – Thái Bình Dương là ngôi nhà của số người gặp khó khăn về lương thực và dinh dưỡng nhiều nhất thế giới, chiếm gần hai phần ba tổng số người thuộc diện này trên toàn cầu. Vấn đề hóc búa phải giải quyết hiện nay là làm thế nào cho sản lượng lương thực tăng cao, đồng thời giảm tối đa sự lãng phí. Nếu không đạt được hai yếu tố này, sự suy giảm số calorie trong bữa ăn hằng ngày và số trẻ em bị suy dinh dưỡng sẽ tăng thêm 20%. Mặt khác, trong tương lai, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 sẽ còn đối mặt với những trở ngại quan trọng như sự thay đổi khí hậu, thiên tai, lỗ hổng tài chính, khiếm khuyết về hạ tầng cơ sở… Những dự báo mới nhất cho thấy vào năm 2050, tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, do nhiệt độ gia tăng, sản lượng gạo sẽ giảm từ 14 – 20%; sản lượng lúa mì giảm 32 – 44%; sản lượng đậu tương giảm từ 9 – 18%. Sự tổn thất về rau quả sẽ lên đến 42%, các loại hạt tổn thất 30% trong quá trình vận chuyển từ nông trại đến thị trường do sự bất cập của hạ tầng cơ sở như đường sá, nước, năng lượng, chợ búa, kho chứa nóng và mát.
Vào những ngày từ 22 đến 24-6 năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức Diễn đàn An ninh Lương thực với ba chủ đề chính: An toàn, Dinh dưỡng và Thức ăn phù hợp. Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các chuyên gia, nông gia, các nhà lãnh đạo thanh niên… đã chia sẻ kinh nghiệm và những sáng kiến mới trong đầu tư vào nông nghiệp, trong lúc vẫn duy trì và củng cố những thành quả đã đạt được. Về phần mình, ADB cam kết dành 2 tỉ USD hằng năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương về thực phẩm an toàn, nhiều chất dinh dưỡng và phù hợp với mọi người. Những người tham gia diễn đàn cũng không quên nhấn mạnh đến mục tiêu tăng năng suất nông nghiệp và giảm thiểu thất thoát để đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của dân số ngày càng tăng, mặt khác tiếp tục cải tiến việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)