Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, có lẽ chưa có cuộc triển lãm nào gây dư luận và nhận được nhiều phản ứng, chỉ trích mạnh mẽ như triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mà DNSGCT đã có thông tin trên số báo 665 ra tuần trước (bài Một phòng tranh đầy sự nghi hoặc).
Bộ sưu tập tranh được cho là mua từ châu Âu này không chỉ bị nghi ngờ hầu hết là tranh giả vì chất lượng nghệ thuật quá kém, dễ nhận thấy ở rất nhiều bức tranh – trong khi chúng được cho là tác phẩm của các danh họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung và Tạ Tỵ, mà tệ hại nhất là việc bức tranh có tên Trừu tượng được ký tên Tạ Tỵ hóa ra là tranh của họa sĩ Thành Chương, chữ ký của ông bị xóa và ký thành Tạ Tỵ!
Chuyện đánh lận con đen động trời này chỉ bị phát hiện khi họa sĩ Thành Chương đến xem phòng tranh nhân ông vào TP. Hồ Chí Minh làm giám khảo một cuộc thi sắc đẹp. Có được ít thời gian rảnh rỗi giữa những buổi làm việc của ban giám khảo cuộc thi, ông được bạn bè rủ đi xem phòng tranh đang đầy tai tiếng ấy. Và như họa sĩ Thành Chương mô tả, ông đã “dựng tóc gáy” khi thấy đứa con mà mình đã cho ra đời khoảng năm 1970-1971 lại ở trong số những tác phẩm “trở về từ châu Âu” và được ký tên Tạ Tỵ với năm sáng tác là 1952. Dù các báo in và báo mạng sau đó đã đồng loạt thông tin về sự tráo trở này nhưng ông Jean-François Hubert, người Pháp từng làm “tư vấn cấp cao” cho hãng đấu giá Christie’s ở Hongkong, cũng là người đã bán toàn bộ 17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” cho ông Vũ Xuân Chung, đã “phản pháo” bằng cách đưa ra một “bằng chứng xác thực” là bức ảnh chụp bức tranh Trừu tượng với sự có mặt của họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân trong ảnh.
Không ngờ “thiên bất dung gian”, sau khi bức ảnh đó được in trên một tờ báo ngày có nhiều độc giả thì nó đã nhanh chóng bị phát hiện là ảnh ngụy tạo, ảnh ghép thêm bức Trừu tượng vào nhưng được ghép hết sức cẩu thả, vụng về mà ai nhìn kỹ cũng nhận ra ngay. Chính các họa sĩ đã phát hiện sự ngụy tạo gian trá ấy và đưa lên Facebook của mình, ban đầu là họa sĩ Lê Huy Tiếp, rồi đến họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, cả hai ông đều có uy tín, được kính trọng về tài năng cùng nhân cách. Cũng trên Facebook của mình, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cung cấp thông tin ông Hubert không còn dính dáng gì tới Christie’s với tư cách “tư vấn cấp cao”. Thật ra, tất cả các chứng nhận mà ông Hubert cung cấp cho ông Vũ Xuân Chung đều không có giá trị pháp lý vì chỉ có chữ ký của ông ta, hoàn toàn không có dấu của Christie’s Hongkong kể cả logo của hãng đấu giá này. Dù chưa thể kết luận đây là một vụ lừa đảo, song chính từ vụ việc Tạ Tỵ – Thành Chương mà nay sự nghi ngờ về một bộ sưu tập tranh giả càng tăng lên. Và phải chăng đó cũng là hồi kết của một triển lãm hết sức bất thường?
Được biết, họa sĩ Thành Chương đã quyết định khởi kiện vụ đánh tráo tên tuổi của ông bởi theo ông “đó là cách góp phần làm trong sạch lại thị trường tranh Việt Nam đã mang tiếng nhiều vì nạn tranh giả, tranh chép, tranh nhái tràn lan”. Còn ngay từ đầu, họa sĩ và là nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật nổi tiếng Nguyễn Quân đã lên tiếng yêu cầu Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đóng cửa phòng tranh và công khai xin lỗi công chúng về sơ suất đáng tiếc này.
- Như Hoa