“Đường chín đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và nước này cũng không có “chủ quyền lịch sử” tại Biển Đông. Đây là nội dung chính trong phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, được Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan tuyên bố hôm 12-7. Phán quyết này được xem là một nền tảng quan trọng để các nước giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Những điểm chính của phán quyết
Đơn kiện Trung Quốc được Philippines nộp lên PCA vào năm 2013. Trong vụ kiện này, Philippines cáo buộc các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) – một công ước mà cả Trung Quốc và Philippines cùng là thành viên.
“Tòa án Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp”, thông cáo báo chí của PCA viết.
Đáng chú ý, PCA kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những “bãi đá”, nên các thực thể này không thể có Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).
PCA cũng kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải.
Là nước đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông, tuyến đường biển có lượng hàng hóa thương mại trị giá 5.000 tỉ USD di chuyển qua mỗi năm, Trung Quốc ngay từ đầu vụ kiện vào năm 2003 đã tuyên bố từ chối tham gia quá trình tranh tụng. Bắc Kinh nói PCA không có quyền tài phán trong vụ kiện này, đồng thời khẳng định sẽ không “chấp nhận, công nhận hay thực thi” phán quyết.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ đối mặt nguy cơ bị mất uy tín, bị xem là một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế, bởi PCA là tòa án có nhiệm vụ đảm bảo luật pháp quốc tế.
Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài Thường trực (11 trang) và bản phán quyết (501 trang) trình bày rất chi tiết quá trình quyết định căn cứ trên cơ sở pháp lý của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS – năm 1982) đối với các nước ven biển, đã kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về chủ quyền và tài nguyên ở các khu vực biển trong phạm vi “đường chín đoạn” tức đường lưỡi bò.
Kết luận trên đi đôi với điểm thứ hai là các cấu trúc hiện đang tranh chấp trong toàn vùng Trường Sa tự nó trong dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế cho nên chỉ có thể là các bãi đá (rocks) hay bãi đá ngầm (reefs) và chỉ có được tối đa là 12 dặm chủ quyền.
Phán quyết này nhấn mạnh là toàn bộ Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế (Exlusive Economic Zone – EEZ) 200 dặm. Như thế tất cả các vùng biển nằm ngoài các cấu trúc đang được tranh chấp đều là vùng nước quốc tế.
Do đó việc Trung Quốc đã dùng lý luận “quyền lịch sử” và đường lưỡi bò để chiếm đóng các bãi đá của nước khác rồi tự nhận chủ quyền các vùng biển xung quanh những thực thể này là phi pháp.
Phán quyết cũng nói rõ là các bãi ngầm như Scarborough không có 12 dặm chủ quyền lại nằm trong EEZ của Philippines nên thuộc chủ quyền nước này. Việc Trung Quốc cấm đánh cá là trái phép và đã vi phạm chủ quyền của Philippines.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà sử học đang giảng dạy tại Đại học Maine (Hoa Kỳ), thì phán quyết của Tòa Thường trực cho thấy rõ ràng là Trung Quốc đã cố tình vi phạm các điều khoản của luật quốc tế mà họ từng ký kết. Trung Quốc cho rằng phán quyết không có tính ràng buộc thực hiện nhưng phán quyết nói rõ là “có tính cách ràng buộc trên phương diện pháp lý”.
Phán quyết của Tòa phần lớn là có lợi cho Việt Nam. Trong thời gian tới Việt Nam có thể sử dụng một cách hữu hiệu phán quyết này để bảo vệ quyền lợi quốc gia trên các vùng chủ quyền của mình cũng như quyền lợi của ngư dân trên biển. Cần lưu ý là Điểm 2 của phán quyết đã khẳng định tất cả các thực thểở Trường Sa, trong đó có đảo Itu Aba (Ba Bình) là đảo có tranh chấp lớn nhất, không chỉở Trường Sa và Hoàng Sa, cũng chỉ được 12 dặm chủ quyền vùng biển chung quanh.
Phản ứng của các bên liên quan
Cho đến nay, Philippines chỉ đưa ra tuyên bố chừng mực về phán quyết của PCA. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng “Philippines hoan nghênh phán quyết quan trọng này” và “kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và điềm tĩnh”.
Ông nhấn mạnh Philippines tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này, xem đây là một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực đang diễn ra nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario cho rằng phán quyết của PCA mở ra con đường tiến đến giải pháp lâu dài ở Biển Đông: “Phán quyết này cung cấp nền tảng để thúc đẩy đàm phán và hợp tác giữa tất cả các bên liên quan bao gồm Trung Quốc”.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố “không chấp nhận cũng như không công nhận” phán quyết của PCA và cho rằng phán quyết này “không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc”.
Ngày 13-7, Trung Quốc đã ngang nhiên công bố Sách trắng khẳng định chủ quyền của mình đối với “các đảo và các vùng nước xung quanh” ở Biển Đông. Phát biểu với báo chí tại lễ công bố Sách trắng tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân công kích các thẩm phán của PCA khi nói rằng không có ai trong số họ là người châu Á nên họ không thể hiểu rõ vấn đề và cũng bất công khi chọn họ xét xử vụ kiện.
Ông còn tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền thiết lập ADIZ trên Biển Đông nhưng liệu Trung Quốc có cần ADIZ không còn tùy thuộc vào “mức độ đe dọa mà chúng tôi đối mặt”.
Trong khi đó, ngày 12-7, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo phương cách hòa bình thông qua đối thoại và dựa trên pháp luật quốc tế. Ông cũng kêu gọi các bên tránh các hành động gây khiêu khích hoặc làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là kết luận cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc lẫn Philippines, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên tuân thủ phán quyết.
Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố kêu gọi các bên tôn trọng các quy trình pháp lý, tránh tiến hành các hoạt động gây căng thẳng khu vực.
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida cho rằng phán quyết của PCA mang tính ràng buộc pháp lý mà các bên liên quan phải tuân theo.
Còn Bộ Ngoại giao Ấn Độ thì ra tuyên bố hối thúc Bắc Kinh “tôn trọng tuyệt đối Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã giúp thiết lập trật tự pháp lý quốc tế ở các biển và đại dương”.
Viết Đỉnh (DNSGCT)