Anthony Brunelli là một họa sĩ nổi tiếng với phong cách hội họa hiện thực gần với nhiếp ảnh (photorealism). Khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật, ông chỉ vẽ những hình ảnh thân thuộc, gần gũi ở nơi mình sinh ra và lớn lên là thành phố nhỏ Binghamton (bang New York) và các khu vực kế cận. Chỉ những năm gần đây ông mới mở rộng đề tài, đưa vào tranh nhiều vùng đất mới trong đó có Hà Nội.
Tuổi niên thiếu, bên cạnh mơ ước trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp, chú bé Anthony còn mê vẽ và đã bắt đầu vẽ từ năm lên ba. Yêu thích chuyện tranh nhiều kỳ về nhóc Peanuts, chó Snoopy cũng như các nhân vật tuổi thơ khác, Anthony vẽ lại những hình ảnh đó. Vào giờ ăn trưa ở trường tiểu học, Anthony vẽ tranh cho các bạn để đổi lấy bánh kẹo. Tình yêu với Binghamton được nuôi dưỡng nơi Anthony từ rất sớm khi được mẹ và bà ngoại dẫn đi khắp phố xá quê nhà. Cậu luôn kinh ngạc trước vẻ đẹp của các kiến trúc ở khu trung tâm thành phố mà vào bất kỳ mùa màng nào trong năm cũng đẹp, đặc biệt là vào mùa Giáng sinh khi đường phố rực rỡ ánh đèn, người người hân hoan chào đón những ngày lễ hội. Anthony muốn mô tả vẻ đẹp đó trong tranh.
Thiên hướng nghệ thuật của Anthony Brunelli còn được hun đúc bởi mẹ cậu cũng là một họa sĩ. Bà làm một phòng dành riêng cho nghệ thuật, nơi mà Anthony và mẹ cùng sinh hoạt nhiều giờ trong ngày. Bố của Anthony cũng khuyến khích con trai theo đuổi những gì mình yêu thích. Năm học lớp 10, Anthony Brunelli và các bạn cùng lớp được thầy giáo dạy mỹ thuật hướng dẫn một chuyến đi thăm thú thành phố New York tráng lệ, tham quan một số gallery ở khu SoHo. Và tại gallery Pace nổi tiếng, chàng trai trẻ yêu mỹ thuật như bị sét đánh khi đứng trước những bức tranh vẽ chân dung khổ lớn của bậc thầy về photo-realism Chuck Close. Sau này, khi đã thành danh Anthony Brunelli vẫn không quên thời khắc đó. Trả lời phỏng vấn tạp chí online Ragazine, họa sĩ nhớ lại: “Tôi choáng váng. Chuck Close có mặt ở gallery lúc đó, tôi gặp ông và xin được chụp ảnh cùng ông trước những bức tranh chân dung của ông. Ông vui vẻ chấp thuận và tôi vẫn treo bức ảnh ấy trong studio của mình ở Binghamton. Khi trở về nhà, tôi ra hiệu sách và mua tất cả những cuốn viết về ông; và rồi những cuốn sách đó đã dẫn tôi đến với trào lưu photorealism”.
Được nhận học bổng vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Thiết kế Columbus ở bang Ohio, sau khi tốt nghiệp Anthony Brunelli quay trở lại Binghamton, bắt đầu sống với nghề. Thật may mắn với một họa sĩ trẻ còn vô danh khi bức tranh đầu tiên Anthony Brunelli vẽ phong cảnh quê nhà đã được gallery Meisel ở New York bán cho khách với giá 12.000 USD vào năm 1993. Nay thì ông và người em trai đã có một gallery cho riêng mình ở Binghamton, nơi không chỉ trưng bày tranh của chủ nhân mà còn giới thiệu tác phẩm của nhiều họa sĩ trẻ và mới.
Những năm qua, họa sĩ đã dành thời gian rong ruổi đến nhiều vùng đất mới, gần đây nhất là Việt Nam. Họa sĩ cho biết: “Điều tác động tới tôi nhiều nhất khi tôi nhìn lại các chuyến du hành của mình, đó là ở bất kỳ nơi nào tôi thường tìm thấy một mảng gì đó của Binghamton. Tôi không bị tách khỏi những khung cảnh mà tôi vẫn thường bắt đầu khi vẽ Binghamton. Những gì tôi tìm kiếm là các giao điểm, khoảng không gian, các trung tâm sinh hoạt, cảnh chợ búa và những gì tương tự song có một cách nhìn khác về văn hóa ở những nơi ấy. Cái chính là sự chuyển động của ánh sáng. Tôi đặc biệt thích Việt Nam, nhất là Hà Nội. Có thể lý giải là với tôi, hầu như toàn bộ đất nước Việt Nam với bờ biển bao quanh và sự hình thành của mây trên không đã khiến ánh sáng như dội từ mặt biển lên những đám mây và rồi hắt xuống mặt đất. Vì thế, ánh sáng ở Việt Nam luôn phản chiếu ấm áp ngay khi trời có mây”.
Trong loạt tranh mới nhất về Việt Nam, Anthony Brunelli vẽ những cảnh phố xá Hà Nội trong nắng, trong mưa với sự thay đổi ánh sáng ngoạn mục, đặc biệt là những bức mô tả sinh hoạt thường nhật ở nhiều khu chợ tại thủ đô thật sinh động và quyến rũ thị giác. Họa sĩ tiết lộ, để vẽ một bức tranh photorealism ông thường phải chụp khoảng 50-100 kiểu ảnh nơi muốn vẽ rồi tổng hợp ánh sáng từ các ảnh đã chụp trước khi dùng màu sắc thể hiện khung cảnh ấy.
- Phạm Đán Bình