“Người ta có thể hối tiếc làm mẹ ư?”, câu hỏi này là chủ đề cuộc tranh luận kéo dài, khuấy động dữ dội dư luận xã hội Đức, nếu thực sự đúng vậy sẽ là một sự răn đe vô nhân tính.
Nhà xã hội học Orna Donath chán nản: “Cuộc tranh luận suốt một năm rưỡi vẫn chưa ngã ngũ là sao? Có rất nhiều phụ nữ cho biết họ cũng yêu con trẻ, nhưng không sinh con vẫn tốt hơn nhiều. Cuộc tranh luận cứ bàng quan với thực tế mức sinh sản ngày một thấp khủng khiếp”.
Trong cuốn Huyền thoại người mẹ Đức, Barbara Vinken đưa ra số liệu đáng lo: Hơn 1/3 phụ nữ Đức trình độ đại học không sinh con lấy một lần – tình trạng tồi tệ duy nhất ở châu Âu. Đức không như ở Pháp nổ sâm banh mừng mang thai, được dành thời gian cho con bú, ba tháng sau sinh nở trở lại cuộc sống bình thường. Ở Đức, người mẹ phải mất ít nhất một năm, thường là ba năm sau mới quay lại công việc, lại còn bị nhạo là “Quạ mẹ”.
Trước mức sinh sản thực tế ngày một tụt dốc, từ khi làm thủ tướng, bà Angela Merkel đã cho mở nhiều nhà trông trẻ, mẫu giáo, cho đàn ông nghỉ phép giúp vợ nuôi con… Tuy nhiên, tờ Bild lại mở chiến dịch “chống phụ nữ cố giành quyền lực, mặc quần âu, uống rượu, tập thể lực… (theo gương bà thủ tướng) vì nhìn cứ như nam giới, không còn là người mẹ ru con đêm đêm…”. Trong cuốn Xóa bỏ người mẹ, Alina Bronsky chỉ ra rằng cứ ra rả khuyến khích tăng trưởng kinh tế như vậy thì người mẹ sẽ càng hạ giá. Viện kinh tế DIW cho biết một phụ nữ đã làm việc toàn thời gian còn phải thêm ba giờ làm mẹ ở nhà. Bởi thế phong trào nữ quyền mới bảo vệ quyền không sinh con, do con cái là điều cản trở việc giải phóng phụ nữ triệt để. Năm 1977, Alice Schwarser viết: “Xiềng xích nặng nhất trói chân phụ nữ là con cái. Về xã hội, mang thai không khác gì vác thánh giá. Phải để tự nguyện chọn lựa”.