Ngày 1-7 tới có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành dưới hình thức giấy phép con chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ khỏi nền kinh tế. Đây là cơ sở đánh giá Chính phủ có thực hiện các cam kết với doanh nghiệp hay không.
Đồng thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời hạn áp dụng các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành quy định trong thông tư không còn hiệu lực nếu không đưa lên thành nghị định, tức là được loại bỏ khỏi nền kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh trong phiên họp chuyên đề về xây dựng văn bản pháp luật vào tuần trước rằng Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản; không phải chạy theo số lượng mà làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông cũng đã lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ, ngành để rà soát những điều còn bất cập của luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định đã trình Chính phủ.
Các dự thảo xoay quanh các vấn đề như điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; dự thảo nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng… Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh không để tình trạng lợi ích nhóm chi phối chính sách.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1-7 về cơ bản, các bộ, cơ quan đã trình các văn bản quy định chi tiết theo tiến độ mà Chính phủ, thủ tướng đã giao.
Theo Văn phòng Chính phủ, cần phải ban hành kịp thời tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, để triển khai trên thực tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cam kết loại bỏ 3.500 giấy phép con giữa lúc cuộc đua nâng cấp thông tư lên thành nghị định đang bước vào giai đoạn nước rút, liệu có mang lại kết quả tích cực hay không, cũng như không loại trừ khả năng nhiều thông tư hướng dẫn hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ “chui” vào các nghị định.
Hiện có khoảng 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Con số trên được nêu rõ ở phụ lục 4 Luật Đầu tư. Mỗi ngành nghề đó có rất nhiều điều kiện kinh doanh. Thậm chí trong các điều kiện kinh doanh nhỏ còn có thêm vài điều kiện nữa. Các chuyên gia kinh tế hay gọi chúng là giấy phép mẹ – con – cháu.
Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có khoảng 5.900 điều kiện kinh doanh. Con số trên có thể xem là quá nhiều, việc cắt giảm là cần thiết và quan trọng vì giấy phép liên quan tới thủ tục hành chính, cơ chế xin cho.
Nhưng vấn đề không nằm ở chuyện bỏ hay không mà là: hiện nay điều kiện kinh doanh quá khắt khe, cần rà soát lại xem cái nào không cần thiết, không đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, không khả thi trên thực tiễn thì bỏ.
Trong khi đó, từ chuyện bỏ 3.500 giấy phép con này, chuyên gia kinh tế có uy tín cho rằng các cơ quan cấp trên khi nhận được văn bản quy phạm pháp luật cấp dưới gửi lên phải soi kỹ xem phản hồi của xã hội, nhất là cộng đồng chịu tác động nhiều nhất của văn bản đó thế nào.
Việt Nam cũng đã đưa ra việc thực hiện quy trình đánh giá tác động của các văn bản pháp quy, nhưng trong thực tế thực hiện, thông thường khi đánh giá tác động người ta chỉ đưa các mặt thuận chứ không đưa ra những mặt nghịch để xem quy định đó có đáng hay không, lợi ích mang lại có bỏ với chi phí mà xã hội phải bỏ ra hay không.
Trong một diễn biến khác liên quan đến đời sống kinh tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp đoàn đại biểu các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới”. Diễn đàn này do Bộ Công thương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức giữa tuần qua.
Phát biểu tại diễn đàn này, Chủ tịch nước nêu rõ, trước những khó khăn, thách thức do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá thành hợp lý, cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); tham gia, ký kết và đàm phán 15 FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào những thành tựu chung của đất nước.
Theo ông, hội nhập quốc tế và tham gia các FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam rất nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế.
Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ hội và thách thức, nhiệm vụ trọng yếu khi tham gia các FTA thế hệ mới trong từng ngành, từng lĩnh vực để tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập.
Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là xây dựng được chương trình hành động cụ thể, chú trọng vào chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường dài hạn, phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ để khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Gia Minh (DNSGCT)