Theo số liệu vừa được Sở Tài chính California công bố tuần qua GDP của bang này đạt mức 2.500 tỉ USD, chính thức vượt qua Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới.
Đây được xem là kết quả của việc đồng USD tăng giá so với đồng euro, cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ, lên đến 4,1% của bang California trong năm 2015, so với mức tăng 2,4% của kinh tế Mỹ nói chung và 1,1% của kinh tế Pháp. Ngoài ra, California cũng là nơi tạo ra nhiều việc làm hơn so với bất kỳ bang nào khác tại Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Irena Asmundson, chuyên gia kinh tế trưởng của Sở Tài chính California cho biết, năm ngoái, bang này mới là nền kinh tế lớn thứ tám trên thế giới.
Tiểu bang này sở hữu một nền kinh tế hùng mạnh và đa dạng về ngành nghề, bao gồm Thung lũng Silicon là trụ sở của những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và thành phố Los Angeles là trung tâm tài chính, giải trí của thế giới với kinh đô điện ảnh Hollywood. Trong số 10 công ty lớn nhất thế giới thì có tới bốn công ty đặt trụ sở ở California, bao gồm Alphabet Inc. – công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google và Apple.
Theo bà Asmundson, ngành sản xuất công nghiệp của California đã tăng trưởng tốt trong năm qua, và cả ngành nông nghiệp cũng đạt kết quả khả quan bất chấp tình trạng hạn hán.
California, bang đông dân nhất của nước Mỹ, thậm chí đã vượt qua tốc độ trung bình của toàn quốc về tăng trưởng việc làm. Số lượng việc làm mới được tạo ra ở bang này trong năm 2015 nhiều hơn cả số việc làm mới của hai bang đông dân thứ nhì và thứ ba ở Mỹ là Florida và Texas gộp lại.
Không chỉ vượt Pháp, quy mô nền kinh tế California hiện còn lớn hơn cả nền kinh tế Brazil, quốc gia đang chìm trong suy thoái vì bất ổn chính trị và bê bối tham nhũng.
Thống đốc Jerry Brown, 78 tuổi, là người lèo lái bang trong quá trình xoay chuyển nền kinh tế bằng các hãng công nghệ như Facebook và Apple, kết hợp với ngành nông nghiệp và sản xuất. Từ khi nhận chức vào năm 2011, ông Brown chỉ đạo California đi từ tình trạng ngân sách hỗn độn, liên tục thâm hụt đến thặng dư.
K.M (DNSGCT)