Theo Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu doanh nghiệp tích cực đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Việt Nam có thể giảm tiêu thụ hơn 50% năng lượng cần thiết mà không ảnh hưởng đến môi trường cũng như tiến độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc tiết kiệm năng lượng trong thời gian qua chưa thật khả quan do gặp rất nhiều rào cản, mà khó khăn nhất về tài chính khi doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ. Có mặt trong buổi hội thảo Phát triển năng lượng bền vững, cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra vào ngày 20-5 vừa qua, chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh (GIF) do Đại sứ quán Đan Mạch đã mở lời tài trợ cho các đầu tư trong lĩnh vực năng lượng của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017.
Quỹ hỗ trợ này có quy mô 110 tỉ đồng, sẽ hỗ trợ cho khoảng 100 DNVVN thuộc ba lĩnh vực gạch, gốm và chế biến thực phẩm sẽ được áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng có khả năng đóng góp vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng (TKNL) từ 5% – 10% theo Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các giải pháp đã được phê duyệt như lò hơi sinh khối có thể áp dụng cho ngành nghề khác. Đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác ngoài ba nhóm ngành trên sẽ được xem xét hỗ trợ trong những trường hợp cụ thể. Chương trình này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng tối đa 50% giá trị của khoản vay nhằm đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, có giá trị từ 200 triệu đến 4 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được trả thưởng tiết kiệm năng lượng từ 10 – 30% giá trị khoản vay tùy theo mức năng lượng tiết kiệm so với mức giảm phát thải thực tế, tương đương từ 40 triệu đến 2,4 tỉ đồng. Doanh nghiệp muốn được tài trợ bởi GIF cần đáp ứng các tiêu chí như: vốn điều lệ 100% trong nước, là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định Luật Việt Nam, có mục tiêu cụ thể về tiết kiệm năng lượng, giảm thải CO2, vay vốn tối thiểu 400 triệu đồng…
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng có tiềm năng được tài trợ bao gồm: (1) Lắp đặt mới hoặc chuyển đổi từ lò hơi hóa thạch sang lò hơi sinh khố; (2) Thay thế hoặc cải thiện hệ thống lạnh và làm đông, (3) Hệ thống năng lượng mặt trời và (4) Sử dụng hệ thống đèn Led. Ba ngân hàng tham gia ký kết thỏa thuận gồm có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Bên cạnh các khía cạnh kỹ thuật, doanh nghiệp cần tiến hành khảo sát tính khả thi của dự án đề xuất nhằm cân đối được các vấn đề giữa lợi ích và chi phí đầu tư thì doanh nghiệp cần chuẩn bị năng lực kỹ thuật và nguồn nhân lực, năng lực tài chính để huy động vốn đầu tư tự có của chính doanh nghiệp, đồng thời chuẩn bị tài sản thế chấp cho 50% giá trị khoản vay. Sau vòng hoàn thiện hồ sơ, doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ tiêu chí xét duyệt của dự án, sẽ được chuyên gia dự án tiến hành thẩm định tiền dự án, nhằm thẩm định các nội dung kinh tế và kỹ thuật được đề xuất. Doanh nghiệp có thể liên hệ website: www.lcee.vn hoặc văn phòng của Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF) tại tòa nhà BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hà Nội, Việt Nam để được hỗ trợ.
Đức Hà (DNSGCT)