Ngày 23-6 tới đây, người dân Anh sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước này ra đi hay ở lại trong Liên minh châu Âu (EU).
Trước động thái này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã yêu cầu các ngân hàng lớn trong Khu vực đồng euro (eurozone) chuẩn bị sẵn kế hoạch khẩn cấp để đối phó với các cú sốc thị trường và những thay đổi liên quan khác.
Một phát ngôn viên của ECB tuần qua cho biết tổ chức này đang giữ liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng liên quan để có thể có phản ứng một cách phù hợp về nguy cơ cũng như hậu quả xấu nhất.
Theo hãng tin Reuters, một cơ quan nghiên cứu độc lập lâu đời nhất của Anh là Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR) đã đưa ra cảnh báo về các cú sốc mà nước Anh phải đối mặt nếu rời EU, trong đó có việc đồng bảng Anh có thể giảm giá đến khoảng 20%, giá cả sẽ tăng vọt, trong khi mức tăng lương và nhịp độ tăng trưởng kinh tế dần chậm lại.
Dưới tác động của việc đồng bảng Anh giảm giá mạnh, lạm phát sẽ tăng vọt. Đầu tư và chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm đáng kể khi thu nhập thực của người dân giảm. Khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Anh sẽ khó tránh khỏi bị sụt giảm.
Trong dài hạn, việc ra khỏi EU sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm từ 1,5 – 3,7% so với hiện nay vào năm 2030, mức độ giảm phụ thuộc vào mối quan hệ khi đó giữa Anh-EU cũng như giữa Anh và các nước khác trên thế giới. Kết quả tồi tệ nhất là sự sụt giảm về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của Anh sẽ dẫn đến tình trạng lương bị giảm 10% vào năm 2030 so với khi Anh vẫn là thành viên EU.
Các chiến dịch vận động ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nóng trở lại trong bối cảnh chỉ còn hơn một tháng cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra. Cuộc vận động ở lại EU được tiếp sức tại Scotland với bài phát biểu hồi tuần qua của người phát ngôn đảng Dân tộc Scotland (SNP) Alex Salmond cho biết SNP sẽ xem xét đòi tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần nữa về độc lập cho Scotland nếu nước Anh chọn rời khỏi EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng có bài phát biểu dẫn lại nhiều giai đoạn lịch sử để khẳng định rằng vận mệnh của nước Anh là gắn bó chặt chẽ với châu Âu và nhấn mạnh bỏ phiếu ở lại EU là “sự lựa chọn yêu nước”.
Ông nhắc lại rằng lịch sử đã chứng minh nước Anh không thể đứng bên lề khi châu Âu đang lâm vào tình trạng bất ổn. Thủ tướng Cameron nêu rõ trong giai đoạn hậu Chiến tranh Thế giới thứ II, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã luôn cố gắng để đoàn kết châu Âu khi vận động mạnh mẽ Tây Âu cùng thúc đẩy thương mại tự do, lập nên các thiết chế bền vững để châu lục không bao giờ phải trải qua thảm cảnh đẫm máu một lần nữa.
Nhà lãnh đạo Anh cho rằng EU trong nhiều thập niên qua đã giúp không ít quốc gia hòa giải những khác biệt và bất đồng, vì vậy Anh cần có trách nhiệm duy trì mục tiêu chung của châu Âu trong việc tránh để xảy ra xung đột giữa các quốc gia thuộc lục địa già trong tương lai.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Truyền hình ITV ngày 8-5 đã cảnh báo rằng một cuộc bỏ phiếu rời EU sẽ tác động đáng kể tới giá nhà và chi phí thế chấp. Trong thời gian tới, ông cũng sẽ công bố nghiên cứu của Bộ Tài chính về các tổn thất ngắn hạn của việc Anh rời khỏi EU.
Hiện nay phe vận động rời khỏi EU cũng đang tăng tốc các nỗ lực của mình. Trên một chương trình của đài BBC ngày 8-5, Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove bày tỏ hy vọng Anh sẽ rời EU và bác bỏ những lý lẽ cho rằng Anh sẽ phải chịu thua thiệt khi thương lượng lại các thỏa thuận thương mại với EU.
Ngoài ra, Thị trưởng London vừa mãn nhiệm và cũng là một nhân vật hàng đầu của phong trào vận động ra đi, ông Boris Johnson, cũng có bài phát biểu trong ngày 9-5 để bảo vệ lý do rời khỏi EU.
Liên quan đến quan điểm của người dân trước cuộc trưng cầu dân ý, tờThe Times của Anh ngày 9-5 đăng tải kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy có 42% công dân Anh được hỏi cho biết họủng hộ việc nước này ở lại EU, trong khi 40% có quan điểm ngược lại.
Cũng theo kết quả khảo sát, đến thời điệm hiện tại, 13% dân Anh chưa đưa ra quyết định sẽ bỏ lá phiếu “ra đi” hay “ở lại” EU và 6% còn lại thậm chí không thể đưa ra quyết định của mình. Đây chính là ẩn số trong sự kiện trọng đại này của nước Anh.
Đ.N (DNSGCT)