Thời gian qua, tình trạng hạn hán nhiều nơi tại Mỹ cùng với sự gia tăng nhu cầu về nhiên liệu sinh học (khiến cho nông sản dành làm lương thực – thực phẩm bị giảm sút) đã đẩy giá lương thực thế giới tăng cao, đe dọa sự ổn định trong đời sống kinh tế của nhiều nước châu Phi.
Nông dân châu Phi trồng sắn thay thế gạo nhập khẩu
Trong tình thế đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đang thúc giục châu lục này tăng cường việc mua bán lương thực trong phạm vi khu vực, bởi vì sự an toàn lương thực có thể được đảm bảo chỉ bằng việc cho phép người nông dân được mua bán trên toàn châu lục một cách dễ dàng hơn hiện nay. Theo những dữ liệu được công bố gần đây, dù tình trạng lương thực đang rất thiếu an toàn, trong khối lượng ngũ cốc do các nước châu Phi nhập khẩu, chỉ có 5% được mua bán trong phạm vi châu lục, 95% còn lại phải nhập khẩu từ các nước ngoài châu Phi hoặc từ nguồn viện trợ. Trong khi đó, theo một kết quả nghiên cứu của Makhtar Diop, Phó chủ tịch WB phụ trách châu Phi, tại nhiều khu vực rộng lớn ở châu lục này, chỉ có 10% đất khả canh đang được canh tác, nếu tăng tỷ lệ này lên thì chẳng những thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong phạm vi châu lục mà còn có thể xuất khẩu cho phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên vấn đề tái cấu trúc nền nông nghiệp châu Phi gặp không ít trở ngại. Để thực hiện đúng như khuyến cáo của WB, tạo điều kiện cho người nông dân châu Phi được bán sản phẩm trên toàn châu lục, cần phải giải quyết vấn đề chia sẻ kiến thức nông nghiệp giữa các nước trên đại lục cũng như việc tiếp cận những công nghệ phù hợp. Hiện nay, nông dân châu Phi gặp nhiều lực cản trong việc canh tác và đưa sản phẩm ra thị trường châu lục hơn là nông dân ở phần còn lại của thế giới. Do đó, theo Diop, cần xóa bỏ quan điểm quốc gia hạn hẹp để mang lại lợi ích cho khu vực, chẳng hạn nếu Malawi bị hạn hán thì Nam Phi sẽ cung cấp lương thực cho họ thay vì phải nhờ ngoại viện hay nhập khẩu từ bên ngoài châu lục.
Bên cạnh những giải pháp mang tính đồng bộ do WB đề xuất, một vài quốc gia châu Phi tự định cho mình một hướng đi mới phù hợp với điều kiện riêng của nền kinh tế. Tiêu biểu cho khuynh hướng trên là Guinea. Giá cả gạo nhập khẩu gia tăng đã khuyến khích nhiều người dân nước này thay đổi hẳn cơ cấu chính của bữa ăn hằng ngày. Họ sử dụng sắn (khoai mì) làm lương thực chính thay vì gạo. Theo các số liệu thống kê do Cơ quan An ninh Lương thực Guinea (SNSA) công bố, diện tích đất canh tác sắn đã tăng từ 54.424ha năm 2004 lên 122.550ha vào năm 2011, đạt sản lượng 775.500 tấn, biến loại nông sản này thành lương thực được sử dụng nhiều thứ hai sau gạo. Được biết Guinea trồng rất ít lúa và hằng năm phải nhập khẩu 200-300 ngàn tấn gạo của châu Á. Hiện nay sản lượng sắn trồng được trong nước đã thay thế dần lượng gạo nhập khẩu và đấy là sự lựa chọn phù hợp trong điều kiện giá cả lương thực trên thế giới ngày một tăng cao.
Lê Cẩn tổng hợp