Làm cha mẹ, có lẽ khi con cái bước vào tuổi teen (từ 13-19 tuổi) là giai đoạn họ phải “mệt mỏi” nhất. Ẩm ương, “sáng nắng, chiều mưa, trưa ẩm ướt”, “cái tôi vĩ đại”… là những biểu hiện chung của lứa tuổi này.
Đặc biệt, lòng tự trọng chính là một quái thú quỷ quyệt đối với các cô cậu tuổi teen, khi vòng xoáy cảm xúc luôn thổi bùng trong họ. Một ngày đẹp trời nào đó, các cô cậu sẽ thấy như mình đang ở trên đỉnh của thế giới, rồi hôm khác, lại thấy như mình đang ở tận cùng thế giới này. Vấn đề thực sự đến khi “ngày tồi tệ” nhiều hơn “ngày đẹp trời”. Có những trường hợp nghiêm trọng đến mức cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý nhưng thường thì các thiếu niên của chúng ta chỉ cần thêm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.
Những cô cậu tuổi teen có lòng tự trọng thấp thường gặp khó khăn để chấp nhận lời khen. Nếu con bạn như vậy, đừng để điều này ngăn cản chúng và có thái độ tích cực với con, cho con biết cha mẹ đánh giá thế nào và thích điều gì ở con.
Hãy nói chuyện với con về lòng tự trọng và cố gắng hiểu điều mà con đang suy nghĩ, cũng như tìm hiểu xem chúng đến từ đâu. Con bạn có thể kháng cự lại nhưng hãy tạo ra một cuộc đối thoại, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc hay câu chuyện khi chính bạn khi còn ở tuổi teen.
Hãy giúp bọn trẻ xử lý những thất vọng, thất bại và những điều đang làm giảm đi lòng tự trọng của chúng. Cho con bạn biết rằng vấn đề tự trọng là điều mà nhiều người gặp rắc rối, nhất là các bạn đồng trang lứa và con bạn không hề cô độc.
Nhiều cô cậu tuổi teen dừng thử nghiệm những điều mới mẻ, ngại thách thức vì sợ thất bại. Đừng để con bạn trốn vào chính mình và vùng an toàn, êm ái của bản thân. Khuyến khích con thử những trải nghiệm mới và chào đón những thành tựu nhỏ đến với mình.
Nuôi dưỡng tài năng của trẻ tuổi teen để giúp nâng cao lòng tự trọng. Việc vượt qua trở ngại có thể giúp trẻ ở độ tuổi này xây dựng quan điểm về chính mình và không để cho thất bại làm chúng sa sút tinh thần. Hãy khuyên con rằng thất bại chính là cơ hội học hỏi, lỗi lầm là một phần của cuộc sống và việc trở thành một người trưởng thành.
Làm cha mẹ, cần giúp con cái thoát khỏi chính mình. Thực hiện những chuyến đi và hoạt động mà cả gia đình cùng tham gia. Có thể mời bạn của con cùng tham gia và biết thêm về những người mà con dành nhiều thời gian ở cùng. Cùng con làm tình nguyện viên để con hiểu thêm về thế giới bên ngoài và hiểu rằng bản thân mình có thể tạo nên sự khác biệt. Giúp đỡ người khác là một nguồn lực mạnh để nâng cao lòng tự trọng, đặc biệt là với trẻ tuổi teen khi chúng cảm thấy bất lực trong một thế giới mà mình không thể kiểm soát.
Lòng tự trọng đối với trẻ tuổi teen rất quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và những quyết định của bọn trẻ. Lòng tự trọng thấp có thể khiến trẻ thuận theo cách cư xử thiếu an toàn, mạo hiểm. Hãy hỗ trợ trẻ xây dựng lòng tự trọng bằng những việc cha mẹ có thể làm và giúp trẻ tự nuôi dưỡng lòng tự trọng cho chính mình, vì đây chính là nền tảng cho tương lai của trẻ khi trưởng thành. Cuộc sống này đã đủ khó khăn với một người tự trọng tích cực, vì thế hãy giúp trẻ học cách yêu chính mình.
Lòng tự trọng là cách chúng ta cảm nhận về bản thân, cách cư xử của chúng ta phản ánh rõ ràng những cảm xúc này. Chẳng hạn, trẻ tuổi teen có lòng tự trọng cao sẽ:
- Hành động độc lập
- Đảm đương trách nhiệm
- Tự hào với thành tựu của bản thân
- Khoan dung với sự chống đối, thất bại
- Thử sức với nhiệm vụ và thách thức mới
- Biết xử lý các cảm xúc tiêu cực và tích cực
- Giúp đỡ người khác
Ngược lại, trẻ có lòng tự trọng thấp sẽ:
- Tránh thử sức với những điều mới mẻ
- Cảm thấy không được yêu thương và cần thiết
- Trách người khác vì những thiết sót của mình
- Giả vờ cảm nhận, lạnh lùng về cảm xúc
- Không thể khoan dung trước những thất vọng ở mức độ bình thường
- Hạ thấp tài năng và khả năng của chính mình
- Dễ bị ảnh hưởng