Với tranh sơn mài, Nguyễn Thị Mai là một cái tên còn mới nhưng nữ họa sĩ tự học này đã sớm khẳng định được bản lĩnh và tư chất nghệ thuật của mình chỉ sau đôi ba lần trưng bày tranh tại Hà Nội và Sài Gòn.
Triển lãm cá nhân của Nguyễn Thị Mai tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh được tổ chức vào những ngày giáp Tết Bính Thân vừa qua nên thật đáng tiếc không được giới thiệu nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng đang chuẩn bị đón năm mới. Nhưng với giới chuyên môn, đặc biệt là trong lĩnh vực tranh sơn mài thì đó là một tín hiệu rất đáng chú ý. Các họa sĩ nổi tiếng với tranh sơn mài như Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm sau khi xem phòng tranh “Thế giới cổ tích” của Nguyễn Thị Mai đều khen ngợi cách tư duy, cách làm sơn mài có nhiều tìm tòi của cô, xem đó là một nỗ lực về mặt sáng tác với chất liệu được coi là truyền thống của mỹ thuật Việt.
Thông thường, nói tới tranh sơn mài nhiều người hình dung ngay những mảng vàng son, những mảng cẩn trứng (hoặc cẩn các chất liệu khác như vỏ xà cừ)… tạo hiệu quả lung linh, óng chuốt…, nhưng tranh sơn mài của Nguyễn Thị Mai hoàn toàn khác: để thô mộc, không mài, không đánh bóng và bảng màu hoàn toàn tự nhiên: màu của gỉ sắt, gỉ đồng, màu của sành, của gốm sứ, của đất đá, của những mảng tường nhạt nhòa trầm tích thời gian… Trên cái nền màu sắc thật chìm ấy là những hình ảnh lấy từ cuộc sống nhưng được tác giả cách điệu, là những mô-típ văn hóa dân gian nhiều vùng miền đất nước, là những biểu tượng trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng Tây Nguyên… Thật mà không thật, những hình ảnh ấy có sức ám ảnh thị giác khiến người xem phải dừng chân hồi lâu trước nhiều tác phẩm.
Trước triển lãm “Thế giới cổ tích”, Nguyễn Thị Mai đã ra mắt công chúng thủ đô với triển lãm “Cội nguồn” vào cuối năm 2012 tại Viet Art Centre và sau đó là triển lãm “Đàn bà” tại L’espace vào tháng 3-2014, cũng với tranh sơn mài có cùng bảng màu, hình ảnh. Xem triển lãm “Cội nguồn”, họa sĩ Vũ Đình Tuấn, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội nhận định: “Bảng màu Mai ưa dùng hết sức giản dị và kiệm vàng son đến mức hiếm thấy. Tạo hình không một chút cầu kỳ, không một thoáng kiểu cách, nhưng đẹp và lạ. Giá trị nguồn cội được tiếp biến kết hợp với cái mạnh mẽ bản năng, hòa cùng những rung động tinh tế, tơ vương rất đỗi đàn bà. Vẫn là những chim, cá, hoang thú, cỏ cây, hoa lá, đàn bà, đàn ông… nhưng gợi cảm, đơn sơ một cách tự nhiên; bí ẩn và phồn thực đến ma mị… Tranh Mai thực sự là những giấc mơ đẹp mà giản dị tới mức ở cái thời buổi cuộc sống có ngàn vạn giá trị đổi thay, thật ít ai đủ sự bình yên trong tâm hồn để mà mơ những giấc mơ như thế”.
Con đường đến với nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Thị Mai cũng là con đường đến với một giấc mơ. Sinh năm 1966, cô học khoa tiếng Nga Đại học Sư phạm Huế (1985-1990), sau đó là ba năm học ngành Quản trị kinh doanh tại Singapore (1999-2002) rồi làm việc trong lĩnh vực khách sạn – du lịch ở Đà Nẵng và ngành vận tải ở Singapore cho đến năm 2004 thì bỏ hết công việc để theo đuổi giấc mơ nghệ thuật. Những buổi đầu đến với thế giới sắc màu, cô được hướng dẫn về chuyên môn bởi họa sĩ Thẩm Đức Tụ, một nhà sư phạm mỹ thuật khả kính và sau này là họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng, một tên tuổi của sơn mài Hà Nội.
Dù đã vẽ với nhiều chất liệu tạo hình nhưng chỉ đến khi tiếp xúc với sơn mài thì cô mới biết đó chính là chất liệu của đời mình, như cô tự bạch: “Tôi cùng với bản năng sáng tạo đã đi, đã thấy và lại bắt đầu”. Với sơn mài, Nguyễn Thị Mai đang đi tìm chính bản ngã nghệ thuật của cô trong cuộc trở về với cội nguồn, về với thế giới cổ tích vậy.
- Diên Vỹ