Bác sĩ Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, là người tâm huyết với mô hình bác sĩ gia đình từ những năm 2000. Ông cho rằng mô hình này sẽ giúp chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn đồng thời đây cũng là giải pháp cho tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện ngắn với bác sĩ Trần Đông A để hiểu rõ hơn về mô hình này.
Bác sĩ cho rằng bác sĩ gia đình là mô hình vừa khoa học vừa nhân văn, xin ông giải thích rõ hơn?
Bác sĩ gia đình là chuyên khoa được đào tạo tổng hợp nhiều chuyên khoa khác nhau dù không chuyên sâu. Khi sức khỏe có những triệu chứng bất thường, bệnh nhân có thể đến bác sĩ gia đình để được khám, theo dõi. Bác sĩ sẽ điều trị các bệnh nhẹ, bệnh nặng thì chuyển lên tuyến trên phù hợp. Ở các nước tiên tiến, bác sĩ gia đình có thể xử lý được đến 90% bệnh lý thông thường. Ở tại Mỹ, 35% số bác sĩ là hành nghề bác sĩ gia đình, các bệnh viện thường chỉ nhận những bệnh nhân mà các bác sĩ gia đình đã khám và chuyển lên. Còn ở Canada, hệ thống bảo hiểm ở đất nước này tốt hơn do số dân ít hơn với tỷ lệ bảo hiểm toàn dân đạt 100%; người dân lúc nào cũng được chăm sóc sức khỏe rất tốt, nên có đến 50% số bác sĩ là bác sĩ gia đình.
Sự can thiệp sớm trong điều trị chính là giải pháp an toàn nhất để tránh các biến chứng và di chứng do bệnh tật về sau. Tôi cho rằng mô hình này khoa học và nhân văn vì nó giúp giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện đồng thời tạo điều kiện phát triển y học cá thể.
Cụ thể ra sao, thưa bác sĩ?
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn làm cho bệnh nhân phải chờ đợi cả ngày mới được gặp bác sĩ. Điều này không chỉ khiến cho bệnh nhân mệt mỏi mà còn dễ xảy ra nguy cơ lây chéo ở bệnh viện, làm cho bệnh nhân dễ mắc thêm các bệnh khác, nhất là người già và trẻ em. Quá tải bệnh viện còn khiến cho các bác sĩ không có thời gian giao tiếp với bệnh nhân. Y học tiên tiến cho thấy cùng một bệnh nhưng mỗi bệnh nhân có một triệu chứng và cách điều trị riêng, không ai giống ai. Do đó, tình trạng “khám bệnh 1 phút” như hiện nay theo tôi là vô cùng phản khoa học.
Ngày nay, y học cá thể là kim chỉ nam của ngành y khoa, theo đó bác sĩ cần dành thời gian để giao tiếp và theo dõi từng triệu chứng, lắng nghe bệnh nhân để phát hiện triệu chứng bất thường, ngăn ngừa không cho thành biến chứng. Có mô hình bác sĩ gia đình thì các bệnh viện lớn có thời gian đi sâu nghiên cứu và điều trị vào chuyên khoa, các bác sĩ ở đây mới có thời gian điều trị các ca khó.
Giao tiếp hai chiều giữa bác sĩ gia đình và bệnh nhân là đặc biệt cần thiết để bác sĩ chẩn đoán bệnh, cho họ lời khuyên về cách điều trị khoa học lẫn vấn đề ăn uống, lối sống để giữ gìn sức khỏe. Khi không còn tình trạng tự ý mua thuốc sẽ giúp giảm các trường hợp dị ứng thuốc, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan cũng không còn.
Hiện nay đã có 240 phòng khám bác sĩ gia đình được triển khai trên cả nước nhưng vẫn chưa có những ấn tượng đáng kể, theo bác sĩ là vì sao?
Vì phần lớn các phòng khám này chỉ mới có hình thức thôi chứ nội dung chưa tốt. Ở Việt Nam, mô hình bác sĩ gia đình đang được thực hiện lồng ghép trong trạm y tế địa phương nhưng mô hình này vẫn chưa hoạt động hiệu quả và các bác sĩ cũng chưa được người dân thực sự tin tưởng.Ngoài ra, theo dõi quá trình đào tạo bác sĩ gia đình tôi nhận thấy ban lãnh đạo các quận, huyện vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của mô hình này. Khi được đề nghị đề cử một số bác sĩ đến tham gia đào tạo tại các lớp học về bác sĩ gia đình, từ quận huyện cử đến các bác sĩ gần về hưu là chủ yếu. Họ lớn tuổi rồi còn sức đâu mà học! Điều này cho thấy ban lãnh đạo ở các cấp chưa thật sự coi trọng việc đào tạo và phát triển bác sĩ gia đình. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nên có cơ chế để người bệnh có thể được hưởng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám ở bác sĩ gia đình.
Vấn đề hiện nay là chúng ta chưa tập hợp được sức mạnh hệ thống. Việt Nam đã tập trung được sức mạnh hệ thống để giải quyết tốt vấn đề xóa đói giảm nghèo, điều này đã được cả thế giới công nhận. Nếu tất cả đều quyết tâm thành hệ thống đồng bộ từ trên xuống dưới thì vấn đề đào tạo, triển khai mô hình này sẽ được thực hiện rất nhanh trong vòng năm năm. Chừng nào mình đạt được chuẩn 35% bác sĩ là bác sĩ gia đình thì mới hết quá tải bệnh viện.
Còn vấn đề đào tạo thì chúng ta đang thiếu gì?
Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh đã có các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa bác sĩ gia đình ở nước ngoài, đang có tâm huyết muốn phát triển mô hình này tại Việt Nam. Các lớp học đào tạo bác sĩ gia đình chuyên khoa cũng đã được tổ chức tại Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Vấn đề là chúng ta đang cần những bác sĩ hiểu đúng về nghề y – nghề chữa bệnh cho mọi người. Vì chiếc “máy sinh học” để chữa bệnh tốt nhất không phải là loại máy móc hiện đại nào mà chính là người bác sĩ thực hành giỏi, người biết giao tiếp đủ để hiểu bệnh nhân, biết khi nào cần sử dụng đến máy móc khi nào không, chứ chỉ nhìn qua loa triệu chứng bệnh và bất cứ lúc nào cũng dùng máy để đo đạt, xét nghiệm thì tôi nghĩ là không cần học bác sĩ làm gì.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.
- Thanh Nhã