Vào giữa tháng 1-2016, giá dầu thô chỉ còn không đến 30 USD/thùng, một sự tụt dốc quá nhanh so với giá 110 USD/thùng trong năm 2014. Tất nhiên, chuyển biến bất ngờ này tác động xấu lên nền kinh tế của cả những nước phát triển lẫn nước đang phát triển, đặc biệt những nước mà nguồn thu nhập dựa phần lớn vào xuất khẩu dầu thô. Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang chịu sự tác động của một bên là sự đi xuống của thị trường khổng lồ Trung Quốc, một bên là sự lên giá của đồng USD, khi giá dầu giảm mạnh, thiệt hại của những nước xuất khẩu dầu và khí đốt lên đến 7.200 tỉ USD, trong đó chủ yếu là Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Gần đây, với việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ 11 thế giới (2014), các nhà bình luận nhận định là tình trạng dư thừa dầu sẽ còn tăng và giá dầu thô còn tiếp tục đi xuống. Các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc với hoạt động lệ thuộc nhiều vào các nước công nghiệp hóa phương Tây sẽ là nơi hứng chịu trước tiên các hậu quả của tình trạng này. Một báo cáo của Ủy ban cao cấp LHQ về tài trợ nhân đạo vừa được phổ biến vào tháng 1-2016 cho thấy trong năm 2016, khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp LHQ nhận được sẽ giảm đi 15 tỉ USD, trong khi số người di cư và tỵ nạn đang tăng cao hơn bao giờ hết. Căn cứ vào hiện trạng, ủy ban này đề xuất một số biện pháp:
– Xếp hạng lại các tiêu chuẩn lựa chọn do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) ban hành.
– Hướng phần lớn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) vào việc xây dựng tính linh hoạt và giảm bớt các nguy cơ.
– Tăng gấp ba khả năng đối phó khủng hoảng của IDA và mở rộng khả năng tài chính đối phó với nguy cấp của các định chế phát triển tài chính khác.
– Các chính phủ tự nguyện áp dụng một cơ chế “liên kết” nhằm cung cấp tài chính cho công tác viện trợ nhân đạo.
Mục tiêu ban đầu của các chương trình đầy tham vọng do LHQ điều hành là 125 triệu người đang cần sự hỗ trợ về mọi mặt. Số tiền cần cho họ khoảng 25 tỉ USD, nhưng đáng tiếc là nhu cầu bao giờ cũng cao hơn khả năng đáp ứng. Sự thiếu thốn 15 tỉ USD so với tổng GDP 78 ngàn tỉ USD của toàn thế giới là một con số không nhỏ, một vấn đề về nhân đạo mà các giới chức lãnh đạo LHQ và các tổ chức trực thuộc cần giải quyết với sự hỗ trợ thật tâm và tích cực của các nước phát triển.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)