Nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016 sẽ tiếp tục gây thất vọng trong khi viễn cảnh trung hạn trên thị trường tài chính các nước nhìn chung vẫn ảm đạm, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF nhận định như vậy trên nhật báo Handelsblatt (Đức). Chủ tịch IMF Christine Lagarde cho biết khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng thêm lãi suất trong năm 2016 dù họ đã làm điều ấy hồi tháng 12-2015, cộng với tình hình sa sút trong nền kinh tế Trung Quốc đang tạo nên những bất ổn cũng như rủi ro cao hơn cho nền kinh tế thế giới. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới đang giảm đáng kể và việc giá kim loại thô lao dốc là báo động đỏ cho những nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu và khai khoáng. Đồng thời, hệ thống tài chính tại nhiều quốc gia vẫn còn yếu kém và rủi ro tài chính không ngừng tăng cao tại những thị trường đang phát triển. Tất cả những yếu tố ấy cộng với mức độ sản xuất hàng hóa chững lại ở nhiều nơi, dân số già hóa và hiệu ứng từ cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vẫn chưa nguôi, khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 sẽ không đồng đều.
Bà Lagarde cho rằng việc bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ cộng với việc chuyển hướng sang nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng quốc nội của Trung Quốc là rất cần thiết, lành mạnh và đáng hoan nghênh, nhưng cần thực hiện một cách hiệu quả và trôi chảy. Sau khi tăng lãi suất tiền gửi USD căn bản lần đầu tiên sau gần một thập niên, FED tiếp tục khẳng định đó chỉ là điểm bắt đầu của hàng loạt những động thái thắt chặt tiền tệ dần dần của nước này. Theo đó, có khả năng các quốc gia vay mượn USD, phần lớn là các nước đang phát triển và mới phát triển, sẽ phải chịu chi phí vay vốn cao hơn từ các nước chủ nợ vốn sử dụng đồng USD làm đồng tiền thanh toán và giao dịch quốc tế. Để đối phó với rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp khi giá trị tiền vay bằng USD lên cao, IMF yêu cầu hệ thống ngân hàng trung ương các nước nên nhanh chóng, linh hoạt trong việc hỗ trợ nhu cầu vay vốn, duy trì tính ổn định của nền tài chính quốc gia, giám sát thận trọng hệ thống tỷ giá hối đoái với USD và tiến hành tái cơ cấu nếu cần thiết. Ngoài Mỹ và Anh, IMF hy vọng các nhóm nước phát triển bao gồm châu Âu và Nhật vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, tránh việc gia tăng lãi suất tiền gửi căn bản một cách bất ngờ trong năm 2016. Đồng thời, các quốc gia khác nên tập trung vào việc tái xây dựng gói ngân sách quốc gia một cách thân thiện hơn thông qua các chương trình cải tổ hệ thống thuế và giá cả năng lượng, thay đổi hợp lý ưu tiên tiêu dùng quốc gia để kích thích đầu tư vào tiêu dùng trong năm 2016.
Vào tháng 10-2015, IMF dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2016 sẽ gia tăng 3,6% và đến nay vẫn chưa thay đổi con số này.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)