Về Cần Thơ, xuôi theo quốc lộ 1A, vừa đến chân cầu Cái Răng rẽ phải thuận chiều một đoạn ngắn nữa du khách sẽ đến với lò hủ tiếu Sáu Hoài nổi tiếng gần nửa thế kỷ nay, dân gian quen gọi là hủ tiếu pizza.
Để có được sợi hủ tiếu pizza phải qua nhiều công đoạn. Bột mì được chế biến từ cây khoai mì lùn trồng ở vùng đất cát Tây Ninh, bởi theo kinh nghiệm của chủ nhân Sáu Hoài thì củ mì trồng ở vùng ấy khi luộc ăn có vị đắng nhưng khi chế biến thành bột thì trắng tinh, trong khi khoai mì trồng trên đất phù sa, cây lớn hơn, củ ăn ngọt hơn nhưng để làm bột thì không bằng. Ngoài bột mì còn cần có tinh bột gạo. Gạo ngon đem ngâm nước, xay thành bột rồi vớt phần tinh bột đem bồng, phơi khô, xác bỏ đi. Sau đó trộn thật đều theo tỷ lệ 8 bột gạo, 2 bột mì để tráng bánh. Lò tráng bánh phải đun bằng trấu. Bánh tráng được phơi trên nan tre, vừa ráo thì cắt thành sợi.
Có thể dùng sợi hủ tiếu chế biến nhiều món ăn ngon. Hủ tiếu pizza được làm bằng cách chiên sợi hủ tiếu cho vàng, giòn và kết lại thành giề. Xếp hủ tiếu đã chiên ra dĩa, thêm thịt heo khìa nước dừa xắt chỉ, giá sống, rau thơm và trên cùng là trứng vịt ốp la vàng ươm; ăn với nước tương ngon và vài lát ớt. Hoặc đem hấp sợi hủ tiếu trong xửng cho mềm rồi trút ra dĩa, ăn với bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên hoặc thịt nướng (có thể dùng thịt gà nướng), xíu mại, trứng cút, dưa leo, giá và một ít rau húng quế, mỡ hành…, nước mắm chan món hủ tiếu hấp phải nấu với đường cát, pha tỏi ớt bằm nhuyễn, chanh. Muốn thay đổi khẩu vị thì xào hủ tiếu với tép bạc, tôm thẻ hoặc thịt bò, thịt heo hay lòng gà, vịt, giá và hẹ. Nhưng trước khi xào cần ngâm hủ tiếu khô cho mềm và để ráo nước.
Minh Thương (DNSGCT)