Chạy bộ, tham gia các giải marathon trong nước cũng như quốc tế đang là một hình thức sống khỏe được nhiều doanh nhân ưa thích. Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần xin được gửi đến độc giả bài viết của một doanh nhân vừa tham gia giải chạy bộ Standard Chartered Marathon Singapore (SCMS). Được tổ chức hằng năm vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 12, đây được xem là giải chạy lớn nhất trong cả khu vực Đông Nam Á về quy mô, chất lượng và số tiền thưởng.
Đây là lần đầu chạy marathon ở nước ngoài của tôi, cũng là lần thứ hai tham gia giải chạy marathon quốc tế và lần thứ sáu chạy cự ly 42,195km. Tuy nhiên, nếu so với cụ Chan Meng Hui, năm nay 85 tuổi mà vẫn tham dự SCMS thì không là gì cả. Cụ Chan đã tham gia 101 cuộc thi và chưa muốn dừng lại ở đó.
Với sự tham gia của 50 ngàn người đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, SCMS 2015 lần thứ 13 có thêm ứng dụng trên thiết bị di động để theo dõi những người tham gia (mỗi thiết bị cho phép theo dõi 10 người). Đoàn từ Việt Nam sang Singapore lần này có 15 người trong tổng số 38 người tham gia thi đấu cự ly 42km dưới màu cờ Việt Nam. Như vậy, cũng có thể nói rằng 15 thành viên SRC (Câu lạc bộ Chạy ngày Chủ nhật – Sunday Running Club) là đại diện không chính thức của Việt Nam tham dự sự kiện marathon lớn nhất Đông Nam Á lần này.
Ở Singapore, tổ chức chạy bộ cũng là một ngành công nghiệp. Nếu như ở Mỹ có đến 1.100 các cuộc thi marathon lớn nhỏ và có hơn nửa triệu người hoàn tất cự ly 42km thì Singapore với diện tích chỉ 719km2 cũng có tới hàng trăm cuộc đua marathon mỗi năm, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Nhân dịp này, các giải marathon khác của Singapore cũng bán suất đăng ký sớm như Sundown, Languna, Newton, 2XU… Tại các gian hàng của sự kiện SCMS 2015 được tổ chức tại Expo Hall có rất nhiều sản phẩm của các hãng thể thao như adidas, 2XU, ASICS, Newton, New Balance… cùng các loại thực phẩm dinh dưỡng GU Gel, Hammer hay vớ Features, ASICS.
Ban tổ chức tiếp cận dân chạy bộ như những khách hàng của sự kiện theo hình thức cá thể hóa (personalized). Ngoài việc dựng một bức tường in tên tất cả các vận động viên tham dự mà phải dò mỏi mắt mới tìm thấy, bạn muốn áo chạy có tên của mình trước ngực thì phải bỏ ra vài chục đô. Muốn có huy chương ghi thời gian về đích lại tốn thêm 15 đô nữa. Giá đỡ huy chương cũng được chào bán cho những người tham dự nhiều giải marathon như anh Trần Xuân Phương – người Singapore gốc Việt Nam sở hữu vài chục tấm huy chương của nhiều giải marathon.
Đoàn SRC đến Singapore ngày thứ Sáu 4-12 nên anh em tranh thủ đi tham quan, chủ yếu là đi bộ và đi xe điện ngầm. Trong những ngày trước giải đấu, điều cấm kỵ đối với dân chạy bộ là vận động nhiều (đi bộ, chạy) vì sẽ dẫn đến tình trạng mỏi cơ. Nguyễn Tuấn Anh cũng bởi đi bộ nhiều mà tối đó bị chuột rút và trong ngày chạy cũng bị co cơ, thành tích chỉ đạt bốn giờ 30 phút, trong khi thành tích tốt nhất của anh là ba giờ 45 phút. Đỗ Ngân Sơn cũng tích cực mang vác đồ thể thao cho anh em, đi bộ cũng nhiều nên thành tích không tốt lắm.
Nhóm 11 người chúng tôi thuê một căn hộ 200m2 ở Orchard Tower, cách vạch xuất phát khoảng một cây số. Mọi người khuyên nhau ngủ sớm để lấy sức chạy nhưng hầu như ai cũng bị trằn trọc. Mới 2 giờ sáng đã dậy để làm vệ sinh và chuẩn bị, 3g30 ra khỏi nhà. Khoảng ngoài 4g sáng, chúng tôi cùng nhau làm lễ xuất quân dưới quốc kỳ ở ION Orchard. Ngó quanh thấy hiếm có đội nhóm nào ra quân hoành tráng như thế.
Trước khi đi, tôi không nghĩ mình mang sứ mạng lớn lao nào khác ngoài việc tìm kiếm sự trải nghiệm ở một giải chạy chuyên nghiệp lớn nhất Đông Nam Á. Cùng GS Dương Nguyên Vũ – Viện trưởng Viện John Von Neumann (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đang dạy lớp về lãnh đạo, chúng tôi phải thông báo với các học viên nghỉ học để hai thầy đi “trải nghiệm”.
Anh Vũ từng tham gia nhiều half marathon (21km) và cả Ironman, relay team, nhưng đây là lần đầu anh chạy 42km. Hai anh em không quan tâm nhiều đến thành tích và bước chạy, chỉ dự tính năm giờ 30 phút là thời gian hợp lý để thực hiện xong hành trình.
Đến 4g sáng, hàng chục ngàn người tham gia cự ly đứng chen chúc trên đường Orchard, đoạn từ Cairnhill đến Paterson (dài khoảng 500m). Ban tổ chức đã dựng sẵn một hàng rào bên phải dành cho các vận động viên chuyên nghiệp ưu tú khởi động mà đa số là các vận động viên Kenya – những người về đích đầu tiên chỉ sau hai giờ.
Đúng 5g có hiệu lệnh xuất phát. Tôi đứng cách vạch xuất phát khoảng 40m và nhanh chóng bứt lên phía trước. Tôi vẫn còn bị đau chân nhẹ sau một chấn thương nhưng lúc ấy không còn cảm giác đau nữa và trong đầu chỉ có suy nghĩ làm sao phải thoát được khối người khổng lồ phía trước. Người đứng cuối có lẽ phải mất chừng mười phút mới có thể qua vạch xuất phát.
Đoạn đường 5km đầu diễn ra suôn sẻ, tôi chỉ mất 29 phút. Lúc ấy, tôi tự tin nghĩ là có thể hoàn thành cuộc chạy này trong bốn giờ 30 phút như ở giải marathon ở Đà Nẵng vào hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên, chạy thêm vài cây số nữa thì sự phấn khích giảm đi nhiều và tôi bắt đầu cảm nhận được cơ thể không hoàn toàn khỏe như mong muốn.
Ở những km 7-8, tôi gặp Nguyễn Tiểu Phương – nữ huấn luyện viên thể hình. Chị cũng đang bị chấn thương. Tôi chạy lên động viên nhưng rồi không theo được chị, đành rớt lại phía sau. Qua mốc km thứ 10, tôi đã tốn một giờ tám phút. Hy vọng có thể về đích với tổng thời gian chừng năm giờ lại được nhen nhóm. Tôi bắt đầu áp dụng chiến thuật “run + walk”, nghĩa là cứ chạy năm phút thì dừng lại đi bộ một phút. Mặt trời ló dạng rồi lên cao, cảnh vật ở hai bên đường công viên sinh động hẳn lên, từng tốp các cổ động viên reo hò, đánh trống và đàn hát. Có 16 điểm tiếp nước trên cả chặng đua, mỗi đoạn cách nhau chừng 2,5km. Tôi hoàn thành 21km (half marthon) trong hai giờ 30 phút. Đó là kết quả tệ nhất của tôi vì khi chân cẳng bình thường, thành tích tốt nhất của tôi là một giờ 52 phút ở HCMC Run 2015. Nhờ vẫn chạy trong East Park với chiến thuật “run + walk” nên tôi không mệt lắm. Cùng với bạn Hoàng Phi Phi, anh em chúng tôi hoàn thành chặng đường còn lại, chạm mốc 30km trong ba giờ 40 phút.
Từ km 30 đến km 35, tôi mất 45 phút để hoàn tất. Chấn thương ở gót trái và ngón cái càng cản trở. Khi tôi đến được cột mốc 35km, tổng thời gian đã là bốn giờ 25 phút.
Thường thì các vận động viên hay gặp tình trạng “hit the wall” (đụng tường) ở giai đoạn chạy từ 35 đến 40km. Tôi không mệt lắm nhưng chân lại khá đau, hầu như phải lê lết suốt quãng đường năm cây số đau khổ ấy. Dù sao thì tôi biết chắc chắn sẽ hoàn thành cự ly marathon dưới năm giờ 30 phút và kết quả là năm giờ 25 phút!
Lúc cách đích 200m, lấy lá cờ Việt Nam mà mọi anh em SRC đều được phát để cầm lúc về đích ra, tôi cảm thấy vui sướng vì đã hoàn tất cuộc trải nghiệm thật đáng nhớ. Chỉ tiếc là không có tấm ảnh nào chụp cảnh tôi về đích vì ban tổ chức đã sắp xếp để mọi người không đứng ở đích cổ vũ bạn bè và người thân của mình. Nếu muốn có hình đẹp, hãy bỏ ra 19 đô!
Ở đích đã có Phạm Thanh Tuấn (bốn giờ), Nguyễn Tuấn Anh (bốn giờ 26 phút), Đỗ Ngân Sơn (bốn giờ 28 phút) đang ngồi đợi đồng đội. Anh Khương Thắng về sau tôi một chút vì xuất phát sau, người kế tiếp là Lộc Việt (sáu giờ sáu phút). Cô gái “lỳ lợm của đoàn” Võ Như Ái rồi cũng về đích với kết quả sáu giờ 59 phút.
Từ trải nghiệm của tôi, nếu bạn là dân chạy bộ và muốn có chứng kiến một đường đua thú vị, hãy thử một lần chọn giải SCMS.
- Đào Trung Thành