Năm 2015 đánh dấu cái mốc 20 năm ngày thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng là mốc 20 năm Công ước về quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến lĩnh vực thương mại (TRIPS). TRIPS hình thành nhằm đề ra những quy định quan trọng áp dụng cho hệ thống mậu dịch đa phương, tác động mạnh lên quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia trên thế giới. Đó là công cụ tạo sự cân bằng cho yêu cầu tiếp cận dược phẩm một cách hợp lý nhất, đồng thời vẫn ủng hộ các cải tiến cần thiết trong sản xuất thuốc trị bệnh. Trong 20 năm qua, trên 130 thành viên của WTO đã áp dụng những nguyên tắc rộng mở của TRIPS và công ước này sớm trở thành đề tài thảo luận của các hội nghị về dược phẩm trên thế giới. Năm 2001, điều này càng trở nên minh bạch hơn với bản Tuyên bố Doha về công ước TRIPS và sức khỏe cộng đồng. Trong tuyên bố này, các thành viên WTO tái khẳng định rằng TRIPS cần được sử dụng như một phần trong giải pháp đối phó với những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng tại các nước đang phát triển. Chẳng những thế, họ còn bổ sung vào công ước TRIPS một điều khoản cho phép xuất khẩu thuốc nhái giá rẻ sang những nước không thể điều chế các loại thuốc đó được. Năm 2005, điều khoản trên trở thành bản tu chính đầu tiên trong hồ sơ những quy định của WTO. Điều này còn tác động lên sức khỏe cộng đồng trong một ý nghĩa rộng mở hơn. Thế giới liên kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, không còn có sự khác biệt giữa mậu dịch về dược phẩm với những công nghệ có liên quan. Trong năm 2014, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của toàn thế giới đã vượt quá 500 tỉ USD, chỉ riêng các dụng cụ điện tử cho y tế đã chiếm hơn 100 tỉ USD. Gần đây, một bước quan trọng khác được tiếp nối khi WTO đưa ra những quy định đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tăng cường tính minh bạch và hạn chế các chi phí có liên quan đến các thủ tục kiểm soát cần thiết. Các nhà nghiên cứu tính rằng nếu thực hiện được hoàn toàn những quy định của WTO về vấn đề trên, chi phí sẽ được cắt giảm đến 14,5%.
Từ lâu chúng ta biết rằng các rào cản trong thương mại quốc tế, từ mức thuế đến các tiêu chuẩn, quy định có những tác động lên chi phí và khả năng cạnh tranh của nhà sản xuất. Chúng cũng tác động lên giá cả, khả năng chọn lựa của người tiêu dùng hay người bệnh. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà quản lý là tạo điều kiện cho sự cân nhắc, thảo luận những vấn đề có liên quan, gia tăng tính minh bạch của những quy định của WTO đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt những vấn đề quan trọng như: lượng độc tố trong thực phẩm, chất caffeine trong thức uống tăng lực, hay thủ tục xét nghiệm các dụng cụ y khoa hoặc dược khoa. Để đảm bảo việc thực hiện các công ước và quy định liên quan đến sức khỏe người bệnh, WTO đang quảng bá cho tính minh bạch trong vấn đề quản lý y tế của các chính phủ toàn cầu, đảm bảo sức khỏe người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động của họ.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)