Từ cuối tháng 10 đến nay, một số ngân hàng thương mại, trong đó có cả ngân hàng thương mại nhà nước, đã tiến hành tăng lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn, với mức từ 0,2 – 0,5%/năm. Dù mức tăng tuyệt đối không lớn, nhưng trong bối cảnh lạm phát năm nay luôn duy trì ở mức thấp, động thái này của các ngân hàng vẫn đem lại những lo ngại nhất định. Liệu việc nâng lãi suất huy động vào thời điểm cuối năm này có chứng tỏ thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang gặp vấn đề? Đây là điều được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi thời điểm cuối năm với nhu cầu vốn vay ngắn hạn cho mùa vụ kinh doanh quan trọng này đang diễn ra và bất cứ sự thay đổi nào về mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến họ. Bởi theo lẽ thường, lãi suất cho vay rồi cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo lãi suất huy động.
Có thể nói, năm nay, hoạt động cho vay của các ngân hàng suôn sẻ hơn rất nhiều so với trước. Tốc độ tăng trưởng cũng được rải đều tương đối kể từ đầu năm, không còn cảnh “dồn toa” vào ba tháng cuối năm. Cụ thể, tính đến 26-10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng so với đầu năm đã tăng 12,51%. Với đà tăng này, cùng với diễn biến cải thiện của tổng cầu nền kinh tế, nhiều khả năng tín dụng cả năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng trên 17%. Trong sự cải thiện của tổng cầu, tiêu dùng và bất động sản đang là các lĩnh vực thu hút nguồn vốn nhiều hơn những năm trước, nhưng cũng không đến mức phải lo ngại, dư nợ của từng lĩnh vực vẫn chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ. Việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và bất động sản chứng tỏ sức mua trên thị trường đang hồi phục, đồng thời thị trường bất động sản cũng có bước chuyển biến tốt. Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên đồng nghĩa với việc nhiều gia đình đang có trạng thái tài chính tốt và đủ sức trả nợ cho các khoản vay mua sắm xe cộ, nhà cửa,… Doanh số bán xe hơi, căn hộ đạt mức cao trong năm nay đã cho thấy điều này.
Vậy phải chăng chính vì tăng trưởng tín dụng cao nên các ngân hàng bắt đầu thiếu thanh khoản và buộc phải tăng lãi suất huy động? Nhìn vào hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy thanh khoản của hệ thống đang gặp vấn đề. Những ngày gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức khá thấp. Không những vậy, cả tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (đang ở mức 82%) và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đều ở mức thấp cho thấy thanh khoản của các ngân hàng vẫn đang dồi dào. Động thái điều chỉnh lãi suất huy động của một số ngân hàng, vì vậy, chưa phải là điều đáng ngại. Ngoài ra, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng trong ngắn hạn cũng không đồng nghĩa với việc thanh khoản của ngân hàng trở nên căng thẳng. Có thể do ngân hàng đang có sự chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay, cụ thể là vốn huy động tập trung ở kỳ hạn ngắn nhưng vốn cho vay nhiều lại có kỳ hạn dài, nên cần có bước điều chỉnh để cân đối lại dòng tiền. Cũng có thể sự điều chỉnh ấy là nhằm có được sự chủ động hơn đối với nguồn vốn cho vay chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất – kinh doanh cuối năm của giới doanh nghiệp. Hoặc các ngân hàng đang “nhìn nhau” để tăng, giảm lãi suất cho phù hợp với tình hình chung… Cho dù lý do của việc tăng lãi suất huy động là gì thì cũng có thể tin rằng thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang bình thường và trong ngắn hạn, cụ thể là trong mùa vụ kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp, lãi suất cho vay dành cho họ vẫn được duy trì ổn định.
Minh Huy (DNSGCT)