Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp trong thời đại ngày nay với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt. Biến chứng thường gặp ở bệnh này là loét bàn chân có diễn biến rất phức tạp, nếu nặng có thể dẫn đến nguy cơ bị đoạn chi, thậm chí tử vong do nhiễm trùng. Không chỉ để lại hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, người bệnh sau khi bị đoạn chi còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Có năm mức độ tổn thương loét bàn chân do bệnh đái tháo đường theo phân độ của Wagner: (0) Không có tổn thương loét, có thể có biến dạng ngón hoặc viêm mô tế bào; (1) Loét nông bề mặt, một phần hoặc toàn bộ chiều dày da; (2) Loét lan rộng tới dây chằng, gân, bao khớp nhưng chưa có apxe hoặc viêm xương; (3) Loét sâu với tổn thương apxe, viêm xương hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn; (4) Hoại tử khu trú vùng trước bàn chân hoặc gót; (5) Hoại tử lan rộng toàn bộ bàn chân.
Biến chứng loét bàn chân đái tháo đường thường xảy ra ở mu bàn chân, ngón cái do đi giày dép chật. Các vết loét ban đầu chỉ là những vết xước nhỏ hoặc phồng da, nhưng do không được phát hiện kịp thời nên lâu lành, lan rộng và nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến nhiễm trùng, có thể gây hoại tử. Vết loét khó lành là do các dây thần kinh cảm giác ngoại biên dẫn máu đến nuôi chân và bàn chân gần như bị tắc, vết loét không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy, không có đủ các tế bào máu để tấn công vi khuẩn và các tế bào chết cũng không được loại bỏ kịp thời khiến vết thương rất dễ bị nhiễm trùng lan rộng và khó lành. Đoạn chi là biện pháp cuối cùng để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Các dây thần kinh này có thể bị tắc ở các đoạn cẳng chân hoặc cao hơn như ở đùi, nên một số trường hợp tuy chỉ bị nhiễm trùng bàn chân nhưng lại cần đoạn chi đến trên đầu gối.
Có đến 15 – 35% người bệnh đái tháo đường sẽ bị loét bàn chân ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời và trong số này có 10 – 30% bị đoạn chi. Tỷ lệ tử vong ngay sau đoạn chi có thể lên đến 23% và số người có thể duy trì sự sống năm năm sau đoạn chi cũng chỉ chiếm nửa số còn lại (khoảng 40%). Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa những tổn hại lâu dài, ngăn ngừa bị đoạn chi tới 85%. Để phát hiện sớm những tổn thương ở bàn chân, người bệnh đái tháo đường nên:
Kiểm tra bàn chân hằng ngày. Tập thói quen kiểm tra bàn chân ít nhất một lần trong ngày. Cần quan sát kỹ các vết nứt trên da, các vết phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da.
Cắt móng chân mỗi tuần hoặc khi thấy móng ra dài. Nên cắt tỉa móng chân theo đường vòng của ngón, không lấy khóe cũng như tự cắt các vết chai ở chân.
Giữ cho mạch máu được lưu thông. Luôn giữ chân ở tư thế ngang khi ngồi. Không đi vớ và giày dép chật, không đi chân đất. Tập cử động các ngón chân khoảng 5-10 phút vài lần trong ngày. Đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe là những bài tập thể dục tốt và dễ giúp bàn chân vận động, cải thiện lưu thông mạch máu.
Vệ sinh chân hằng ngày. Luôn rửa sạch chân với nước ấm và xà phòng trung tính, nhưng không nên ngâm chân trong nước quá lâu. Sau khi rửa chân, dùng khăn bông mềm thấm khô, đặc biệt là các kẽ ngón chân.
- A.H.L theo ScienceDaily