Tháng 7 vừa qua, nhóm P5+1, gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) và Đức đã ký với chính quyền Iran bản thỏa hiệp Kế hoạch phối hợp hành động (JCPOA), được hầu hết các nước trong khu vực Trung Đông hoan nghênh. Thỏa hiệp dự liệu những điểm cơ bản sau:
- Iran phải tháo dỡ, mang đi và tồn trữ dưới sự kiểm soát của Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trên 13.000 máy ly tâm.
- Trong số hơn 15.651,4kg chất uranium làm giàu ở mức 3,6 và 337,2kg ở mức 20%, Iran sẽ phải giảm thiểu xuống còn không quá 300kg.
- Iran đã xây dựng cơ sở làm giàu hạt nhân Fordow sâu trong núi thuộc thị trấn Natanz để đề phòng Mỹ hoặc Israel tấn công. Theo thỏa hiệp hạt nhân đã ký, Tehran phải chuyển cơ sở Fordow thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển không chứa đựng các vật liệu có thể làm tên lửa.
- Trong số 19 ngàn máy ly tâm hiện có, Iran chỉ được giữ lại không hơn 5.060 máy và không được sản xuất thêm máy ly tâm nữa. Việc thử máy ly tâm với uranium chỉ được tiến hành tại Natanz. IAEA phải được phép tiếp cận khu vực này trong vòng 24 giờ sau khi có yêu cầu.
- IAEA còn được tiếp cận mọi hoạt động của Iran, từ việc khai thác quặng uranium đến việc sản xuất máy ly tâm và xây dựng các nhà máy.
Bên cạnh các quy định chặt chẽ về hạt nhân, Hội đồng Bảo an LHQ còn cấm Iran xuất nhập khẩu vũ khí trong vòng năm năm và các bộ phận tên lửa trong tám năm. Trước khi thỏa hiệp JCPOA ra đời, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời tất cả các nhà lãnh đạo thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đến trại David để họp thượng đỉnh và tất cả những người tham dự đều đồng tình ủng hộ bản dự thảo thỏa hiệp. Sau khi thỏa hiệp được ký kết, chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait bày tỏ sự hoan nghênh đối với Iran; ông Tổng thư ký khối Liên minh Ả Rập Nabil al-Arabi xem đây là một sự kiện lịch sử bước đầu ngăn chặn việc sản xuất vũ khí giết người hàng loạt ở Trung Đông. Sau một cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ Obama và Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi tại Nhà Trắng ngày 4-9-2015, ông Salman bày tỏ sự ủng hộ đối với JCPOA, tin rằng nó sẽ ngăn chặn việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đảm bảo an ninh trong vùng. Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đề cập đến khả năng hợp tác giữa Tehran với các nước láng giềng; Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ thỏa hiệp hạt nhân.
Tuy nhiên, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Israel đã nhanh chóng chỉ trích thỏa hiệp này. Sau khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1948, Iran là nước Hồi giáo thứ hai công nhận nước này. Nhưng sau cuộc cách mạng năm 1979, Iran thay đổi đường lối thương mại và ngoại giao với Israel, quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi. Ngày nay, Tel Aviv chỉ trích thỏa hiệp hạt nhân với Iran vì không tin vào thiện chí thực hiện của Tehran và xem như mối đe dọa hạt nhân vẫn còn đó. Thách thức hiện nay đối với Israel không chỉ là vấn đề hạt nhân của Iran, mà còn có mối quan hệ phức tạp với người láng giềng Palestine. Bên cạnh đó, khi Iran không còn là mối nguy tiềm ẩn về hạt nhân thì kho vũ khí hạt nhân của Israel dễ dàng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích trên thế giới.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)