Một công trình nghiên cứu khoa học của Viện Công nhân Công đoàn vừa được công bố qua khảo sát thực hiện trong hai tháng 4 và 5-2015 tại 60 doanh nghiệp ở 10 tỉnh thành thuộc bốn vùng lương cho thấy lương tối thiểu hiện nay thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng.
Các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu thuộc các ngành dệt may, giày da, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thủy sản…
Theo kết quả khảo sát, tiền lương trung bình (theo thời gian và khoán sản phẩm theo giờ chuẩn quy định) đang được các doanh nghiệp trả là 3,817 triệu đồng/người/tháng, trong đó cao nhất là lương của người lao động ở vùng 1 với mức 4,369 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là vùng 4, lương 3,225 triệu đồng/người/tháng.
Về thực trạng chi tiêu, theo kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu vùng của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015, mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con) là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.
Hơn 19,9% người lao động cho biết thu nhập không đủ sống, 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm, 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống, chỉ có 8% cho biết có dư dật và có tích lũy.
Do phải chi rất nhiều khoản nên 62,2% người lao động không có tiền tiết kiệm, 37,8% có tiền để dành nhưng không nhiều. Cụ thể: mức tiết kiệm hằng tháng của người lao động dưới 500.000 đồng là 10,7%, từ 500.000-1 triệu đồng là 10,2%, từ 1-2 triệu đồng là 7,4%.
Ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), khẳng định: “Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, mức lương người lao động thực nhận cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng từ 10 – 14% tùy theo từng vùng. Đây là căn cứ để Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trên 16% (từ 350.000 đồng – 550.000 đồng/người/tháng) mà không ảnh hưởng tới doanh nghiệp”.
Gia Minh (DNSGCT)