Thông tin về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 60 (nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài) được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường chứng khoán thoát khỏi giai đoạn ngập ngừng, bước vào giai đoạn tăng trưởng đồng bộ với nền kinh tế và thực sự cũng đưa các chỉ số bật tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (10-8). VN-Index tăng đến 10,77 điểm (gần 1,8%), còn HNX-Index cũng tăng 0,53 điểm (0,6%), khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng một giai đoạn tăng điểm mới đã hình thành. Tuy nhiên, tất cả đã không như dự tính. Sang ngày 11-8, những diễn biến đến từ… Trung Quốc đã thay đổi tất cả. Việc Ngân hàng trung ương nước này quyết định điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ so với USD trong ba ngày liên tiếp (tổng cộng khiến độ mất giá của đồng nhân dân tệ so với USD lên tới 4,6% – mức thấp kỷ lục trong hơn hai thập niên trở lại đây) khiến cho thị trường tài chính – tiền tệ thế giới chao đảo. Mức độảnh hưởng tùy vào điều kiện của từng nước. Với nước ta, tác động là tiêu cực. Trực tiếp, động thái này của quốc gia láng giềng luôn xuất siêu vào Việt Nam khiến cho thâm hụt thương mại của nước ta trầm trọng hơn. Trong tương lai, hoạt động xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực của nước ta sẽ gặp khó, bất chấp Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức đã có sự thay đổi về biên độ tỷ giá. Nhiều ngành và doanh nghiệp cụ thể cũng như triển vọng kinh doanh của từng ngành, doanh nghiệp sẽ bịảnh hưởng. Nếu từng doanh nghiệp không có sự thay đổi và điều chỉnh để thích nghi, hoạt động kinh doanh của họ sẽ gặp khó, giá cổ phiếu sẽ đi xuống, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Đó là chưa kể, xét về tổng thể, sức ép về tỷ giá sẽ là gánh nặng của các nhà điều hành trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán đã có phản ứng tức thời với thông tin tiêu cực trên: Liên tiếp những phiên điều chỉnh trên diện rộng xảy ra, kéo hai chỉ số lùi sâu về dưới các vùng hỗ trợ, đồng thời cũng xóa đi kỳ vọng về sự hồi phục trong ngắn hạn sau một số phiên tích lũy tích cực của tuần trước. Việc thị trường chứng khoán phản ứng quá mức với những thông tin bất lợi cũng có phần do tâm lý nhà đầu tư chưa kịp phục hồi sau đợt giảm điểm sâu kể từ thời điểm VN-Index không chinh phục được mốc 640. Cảm thấy rủi ro của thị trường trong thời điểm này là lớn, một số nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức chọn cách bán cổ phiếu, giữ tiền mặt, tạo áp lực lớn cho nguồn cung. Từ 11-8, bốn phiên giảm liên tiếp khiến cho hai chỉ số có sự điều chỉnh khá sâu. Với chỉ một phiên tăng, VN-Index tuần từ 10 đến 14-8 mất đi 14,73 điểm (2,4%), xuống 589,03 điểm, còn HNX-Index giảm mạnh hơn (3,6%), xuống còn 80,88 điểm.
Khối ngoại tiếp tục nghịch pha với thị trường chung. Hai phiên mà tác động tâm lý đến từ sự phá giá đồng nhân dân tệ còn cao, hai chỉ số giảm điểm mạnh, nhiều nhà đầu tư trong nước bán tháo, thì khối ngoại đã mua ròng mạnh mẽ. Hai phiên cuối tuần, khi đà giảm của thị trường có phần thu hẹp, tâm lý nhiều nhà đầu tư bình ổn trở lại thì khối ngoại chuyển sang bán ròng. Dù vậy, tính chung cả tuần, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 240 tỉ đồng trên hai sàn (chủ yếu trên HSX) và là tuần mua ròng thứ hai liên tiếp của họ.
Xét trên bình diện thế giới, dòng tiền đầu tư dù đã rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ vài tháng qua, nhưng không đổ vào Mỹ, nơi có đồng USD đang ở mức giá rất cao. Chứng khoán Mỹ đã giảm dần sức hút kể từ một năm trở lại đây. Theo số liệu mới nhất của công ty tư vấn Morningstar, dòng tiền rút khỏi chứng khoán Mỹ vào khoảng 160 tỉ USD trong 12 tháng vừa qua, chứng tỏ kỳ vọng của giới đầu tư đối với thị trường chứng khoán Mỹ không còn cao như trước. Dự báo rằng chứng khoán Mỹ đã ở vào giai đoạn cuối của sự tăng trưởng mạnh, nhiều nhà đầu tư đã rút tiền khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ để chuyển sang các quỹ đầu tư cổ phiếu các nước khác như châu Âu và Nhật.
Trở lại với thị trường trong nước, các nhà đầu tư cá nhân đang phải đối mặt với sự chọn lựa, là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hay “tháo chạy”? Đó là với những người đang nắm giữ cổ phiếu. Còn với những người theo trường phái đầu tư giá trị và sẵn tiền mặt, giai đoạn này rất thích hợp để tìm mua những mã cổ phiếu tốt giá rẻ. Giá của cổ phiếu một lần nữa rơi vào vùng hấp dẫn. Trong phiên giao dịch đầu tuần (17-8), nhóm các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG… bị “đè” chạm sàn, cùng với đa số các mã dẫn dắt khác cũng giảm mạnh, khiến cho VN-Index mất đến 15,88 điểm, lùi về 573,15 điểm. Có 159 mã giảm giá (23 mã giảm sàn), trong khi chỉ 70 mã tăng giá. Thanh khoản vẫn không cao, chỉ đạt giá trị 1.919,588 tỉ đồng, cho thấy dòng tiền bắt đáy chưa đủ mạnh. Điều này chứng tỏ khả năng giảm điểm vẫn còn rình rập và đây thực sự là thử thách cho thị trường.
Thành Huân (DNSGCT)