Trái vải tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang Úc là tin chính thức do Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman cho biết trong buổi làm việc, thông báo về hợp tác thương mại tại Hà Nội vào ngày 15-6. Nhân dịp này, ông cũng gửi lời chúc mừng, chia sẻ tin vui đến những người nông dân trồng vải ở Việt Nam. Ông bày tỏ: “Tôi rất vui mừng trước sự kiện thị trường Úc mở cửa đón nhận trái vải tươi từ Việt Nam. Những lô hàng đầu tiên đã tới Melbourne vào ngày 12-6 và sẽ nhanh chóng được chuyển đến các cửa hàng cho người dân ở Úc thưởng thức. Thật tuyệt vời khi người tiêu dùng nước tôi sẽ có cơ hội nếm thứ quả ngon lành này ngay trong mùa vải 2015. Tôi chắc chắn người dân Úc sẽ thích thú đón nhận sản phẩm chất lượng và đầy hương vị nhiệt đới này – giống như người Việt Nam đang được dùng các loại hoa quả tươi của Úc như nho, cam, cherry…”.
Ông cũng bình luận thêm, việc hoàn tất các điều kiện và thủ tục nhập khẩu trái vải tươi vào Úc là tập hợp của rất nhiều nỗ lực đáng ghi nhận của Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam, ngành trồng vải của Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Australia. Trái vải tươi nhập từ Việt Nam sẽ có khả năng thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm này ở Úc, vì trái vải Việt Nam được trồng trái vụ với vải trồng ở Úc.
Còn tại thị trường Mỹ, trong thời gian qua trái cây Việt Nam được ưa chuộng có thanh long, nhãn, chôm chôm… và gần đây là vải. Tất cả đều rất tươi ngon, được khách hàng chấp nhận. Sản lượng các loại hoa quả Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng đều và ổn định nên hy vọng quả vải cũng sẽ có sự tăng trưởng tương tự.
Trái vải Việt Nam đã được xuất sang nhiều nước trên thế giới nên quy trình kiểm định chất lượng xuất khẩu đã được xây dựng khá bài bản. Vùng quy hoạch trồng vải thiều xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản… tập trung chủ yếu tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Nhà nhập khẩu kiểm soát gắt gao tại vùng nguyên liệu để đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm không nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm khác. Các hộ dân tại đây được hướng dẫn trồng và chăm sóc cây đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) để đảm bảo theo tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu. Đến khi thu hoạch sản phẩm phải tiến hành kiểm tra lại bằng phương pháp chiếu xạ. Để đáp ứng yêu cầu gắt gao từ các nhà nhập khẩu khó tính như Mỹ, Úc… Việt Nam cũng đã tiến hành xây dựng bản đồ chiếu xạ (quy trình diệt khuẩn, làm sạch sản phẩm, nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản). Đây là khâu cuối cùng và cũng là khâu quan trọng, yêu cầu không thể thiếu của nhà nhập khẩu mà phía Việt Nam phải cam kết đáp ứng.
Năm nay, giá vải thu mua tại vườn ở mức ổn định là 30.000 đồng/kg, có cao hơn giá bình thường do việc chăm sóc cây vải theo quy chuẩn quốc tế tốn nhiều công sức hơn. Từ nguồn nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… phải dùng đúng liều lượng, đúng cách. Đây là năm đầu tiên vải thiều Lục Ngạn trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Global GAP nhưng hầu hết các hộ dân đều hưởng ứng kỹ thuật mới này. Một người dân ở đây cho biết, toàn thôn có 95ha trồng vải thì gần 50% diện tích đã được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, bảo đảm các điều kiện về chất lượng để xuất khẩu.
Trước đó, nhiều tấn vải thiều Lục Ngạn cũng được Vietnam Airlines mang lên các chuyến bay để phục vụ trong khẩu phần ăn cho hành khách. Đây cũng là cách giới thiệu đặc sản trái cây Việt Nam đến với mọi người, khách trong nước và du khách quốc tế.
Thuận An (DNSGCT)