Mở cửa từ cuối tháng 5 và sẽ kéo dài đến thượng tuần tháng 9-2015 tại gallery Primae Noctis của thành phố Lugano(1), phòng tranh trưng bày loạt tác phẩm “Tranh Đen” của Nguyễn Thái Tuấn, trong số đó có nhiều bức đã từng được triển lãm tại Sàn Art ở TP. Hồ Chí Minh trước đây. Nhân dịp này, một cuốn sách tựa Nguyễn Thái Tuấn – Tranh Đen & Di sản (Nguyễn Thái Tuấn – Black Painting & Heritage) được ấn hành với bài viết của nhà phê bình danh tiếng Demetrio Paparoni, người đã nồng nhiệt giới thiệu họa sĩ đến từ Việt Nam trong triển lãm tại gallery Primo Marella. Theo Demetrio Paparoni thì: “Trong khi luôn nhìn vào các sự kiện lịch sử và những gì diễn ra trong thực tiễn, chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Thái Tuấn lại chẳng đậm nét sự kiện, đúng hơn là tiếng vọng từ tác phẩm tạo nên những vùng tối trong tâm hồn mỗi cá thể, tác động tới đời sống hằng ngày của cá thể đó”.
Còn tại triển lãm ở Lugano, Nguyễn Thái Tuấn đã nhận được những lời ca ngợi của một tên tuổi lớn trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật tại Ý nói riêng, châu Âu nói chung: ông Arturo Schwarz, năm nay 91 tuổi, một nhà sử học nghệ thuật đồng thời là nhà thơ, nhà văn và từng làm giám tuyển cho nhiều triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Ý. Vị học giả khả kính này còn sở hữu một bộ sưu tập đáng nể các tác phẩm của hai trào lưu Dada và Siêu thực, trong đó có các bậc thầy như Marcel Duchamp, André Breton, Man Ray và Jean Arp mà sinh thời là bạn tâm giao của ông. Việc Arturo Schwarz viết giới thiệu Nguyễn Thái Tuấn là một vinh dự không nhỏ đối với anh, đồng thời cho thấy tài năng nghệ thuật của anh đã được “bảo chứng”. Ông Arturo Schwarz viết: “Các bức tranh của Nguyễn Thái Tuấn cho tôi sự thích thú lớn nhất trong cách anh trình bày với sự xúc động và tính thẩm mỹ cao độ về hiện thực xã hội tại quê hương anh… Nguyễn Thái Tuấn không mô tả con người cụ thể mà là những nhân vật trống rỗng bất kỳ. Con người (với tư cách cá thể) đã bị ném vào đám đông vô danh…”.
Từ Hoa Kỳ, ông Trần Đán(2) – một họa sĩ tự học và cũng là người sưu tập tranh Nguyễn Thái Tuấn nhận định rằng Tranh Đen của Nguyễn Thái Tuấn khiến ông liên tưởng đến Kafka hay Samuel Beckett – những văn hào đã bằng tác phẩm của mình nói lên sự phi lý của kiếp người. Theo Trần Đán, nếu như họa sĩ René Magritte của họa phái Siêu thực đã thể hiện sự phi lý ấy bằng cách liên kết các vật thể trong tranh đang ở trạng thái mộng mị thì Nguyễn Thái Tuấn đã làm được điều đó bằng cách của riêng anh: bằng bố cục và màu sắc trong tranh. “Họa sĩ cảm thông với những dày vò trước bao điều phi lý trong cuộc sống. Bằng các thủ thuật của hội họa đương đại, anh đã thành công trong việc tạo hình cho nỗi dày vò trước sự phi lý. Tạo hình cho những gì vô hình – những tập hợp ý niệm/cảm xúc – đó là sứ mệnh của mọi ngành nghệ thuật, dù là hội họa, điêu khắc, múa, nhạc, kịch, trình diễn hay sắp đặt. Nó đòi hỏi óc sáng tạo tỉnh táo. Loạt Tranh Đen của Thái Tuấn là một thử nghiệm quy củ, gạt dần tất cả những gì dư thừa trong bố cục lẫn màu sắc để đạt đến đích cuối cùng” (Trần Đán – Nguyễn Thái Tuấn và sự phi lý).
Được biết, Nguyễn Thái Tuấn có mặt trong ngày vui của anh tại gallery Primae Noctis.
(1) Lugano ở phía nam Thụy Sĩ, thuộc bang Ticino nói tiếng Ý, có chung đường biên giới với Ý. Nằm bên bờ hồ Lugano, bao quanh là dãy núi Lugano Prealps, thành phố nhỏ nhắn này đã thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ, thể thao về đây sinh sống nên nó còn được gọi là “Monte Carlo của Thụy Sĩ”
(2) Trần Đán và tranh của ông đã được giới thiệu trên DNSGCT
- Phạm Đán Bình