Việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa và ngụy biện bằng giọng điệu phi lý cũng như không hề giấu ý định thiết lập vùng cấm bay ở Biển Đông đang dấy lên những phản ứng gay gắt của dư luận quốc tế. Tổng hợp thông tin từ các nguồn có thể cho chúng ta một bức tranh tổng thể về tình hình này.
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi thượng tuần tháng 5 cho rằng Trung Quốc mở rộng tổng diện tích tại các tiền đồn trên Biển Đông tăng bốn lần, từ khoảng 2km² vào tháng 12-2014 nay lên hơn 8km².
Trung Quốc thừa nhận điều này đồng thời cho biết đang tăng cường xây dựng đường băng dài khoảng 3.000 mét trên đá Chữ Thập để biến thành “đảo” lớn nhất Trường Sa và tuyên bố sẽ sử dụng các đảo nhân tạo cho mục đích dân sự cũng như đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự của mình.
Truyền thông Trung Quốc liên tiếp công bố hình ảnh binh sĩ luyện tập và các cơ sở quân sự tại đây, cho thấy ý đồ khai thác cũng như tham vọng quân sự lâu dài và nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trung Quốc có thể cũng đang chuẩn bị xây một đường băng trên bãi đá Subi, tương đương với chiều dài trên đường băng ở đá Chữ Thập.
Trong khi đó Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết sẽ triển khai giàn khoan nước sâu hiện đại Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam đã lên tiếng phản đối và cho biết sẵn sàng đối phó với hành vi này của Trung Quốc.
ADIZ ở Biển Đông sẽ bị ngăn chặn
Trước những chuyển biến nhanh chóng ở Biển Đông, Mỹ và Philippines vừa cảnh báo Trung Quốc có thể đang tạo bàn đạp cho việc thành lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ).
Trung Quốc không giấu giếm ý đồ này khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “có quyền thiết lập ADIZ và việc có lập ADIZ hay không phụ thuộc vào an ninh vùng trời của chúng tôi có bị đe dọa hay không và mức độ tới đâu”.
Nhận định về khả năng này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên viên người Australia về Biển Đông, cho rằng điều này khó xảy ra và Trung Quốc sẽ không tuyên bố ADIZ ở khu vực Trường Sa. Theo ông, Trung Quốc không có các phương tiện thực hiện và nếu họ tuyên bố ADIZ thì lập tức Mỹ sẽ đưa máy bay đến vùng này để vô hiệu hóa.
Tuy vậy, thái độ hung hăng của Trung Quốc khiến Malaysia trước đây gần như đứng ngoài tranh chấp, nhưng nay Bộ Quốc phòng nước này đang tìm kiếm trợ giúp của Washington để đào tạo và phát triển lực lượng cảnh sát biển dựa trên mô hình của Mỹ và hoan nghênh các cuộc tập trận chung. Động thái mới nhất là tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ tập trận trên Biển Đông với Malaysia hôm 10-5.
Indonesia gần đây cũng bắt đầu lo lắng về chủ quyền của quần đảo Natuna. Hải quân Indonesia và Mỹ đã tiến hành bay tuần tra chung trên Biển Đông. Nước này cũng có kế hoạch triển khai một số tàu ngầm mới mua của Hàn Quốc và trực thăng vũ trang Apache hoạt động gần các quần đảo mà họ cho rằng dễ bị Trung Quốc xâm phạm.
Phản ứng trước tình hình mới, Australia lập tức yêu cầu Trung Quốc không thành lập ADIZ trên Biển Đông và ưu tiên giảm căng thẳng ở khu vực này.
Nhật Bản còn tích cực chống lại kế hoạch bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hơn nữa với tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe hồi cuối tháng 4 mong muốn cung ứng nhiên liệu và đạn dược cho các đơn vị Mỹ ở mọi nơi nếu Tokyo nhận thấy an ninh quốc gia bị đe dọa. Điều này có nghĩa là Nhật Bản có khả năng can thiệp phi chiến đấu tại Biển Đông, hỗ trợ hậu cần cho thỏa thuận phòng vệ của Mỹ với Philippines.
Đáp lại, hồi đầu tháng 4 Mỹ cũng kêu gọi Nhật Bản mở rộng tuần tra ra Biển Đông. Nhật Bản và Philippines hôm 12-5 lần đầu tiên tập trận chung, diễn ra cách Scarborough/Hoàng Nham, bãi cạn tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, chưa đầy 300km.
Còn Mỹ, sau những lời cảnh báo chung chung, mới đây đã đưa tàu chiến USS Fort Worth tới vịnh Subic của Philippines sau khi tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế, trong đó có tác vụ tiếp cận các bãi đá ở Trường Sa với khoảng cách 12 hải lý.
Thông cáo của Hải quân Mỹ hôm giữa tuần qua cho biết Fort Worth đã nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển (LCS) hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội nước này đang cân nhắc đề xuất điều máy bay và tàu hải quân đến trong phạm vi khoảng 22km (12 hải lý) quanh những bãi đá Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Theo Wall Street Journal, máy bay quân sự Mỹ liên tục tiếp cận khu vực 22km Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quanh những bãi đá đang được xây dựng. Nhưng để tránh leo thang, các máy bay chưa vào khu vực này.
Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến sự việc nói trên. Theo Sina Military Network, Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảy ngày trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông từ các cơ sở hải quân nước này ở Singapore. Tàu khu trục nhỏ Trung Quốc Yancheng Type 054A theo dõi chặt chẽ hoạt động của USS Fort Worth tiến vào gần khu vực quần đảo Trường Sa.
USS Fort Worth đã thông báo qua radio để nhắc nhở phía Trung Quốc rằng chiến hạm Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế.Tuy nhiên, khu trục hạm Trung Quốc phớt lờ lời cảnh báo và tiếp tục bám đuôi USS Fort Worth cho đến khi rời khỏi khu vực.
Căng thẳng đã không xảy ra do hai nước bị ràng buộc bởi BộQuy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES), do hải quân các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, thông qua hồi năm ngoái.
Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra tương tự khi hoàn thành kế hoạch triển khai toàn bộ bốn tàu chiến cận bờ tới Singapore.
Sina Military Network dự đoán nhiều vụ chạm trán sẽ có thể xảy ra trong tương lai.
Mỹ sẽ cứng rắn bảo vệ tự do hàng hải
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry khiến các lãnh đạo Trung Quốc “không còn hoài nghi” về cam kết của Mỹ đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông khi ông tới thăm Bắc Kinh trong hai ngày 16 và 17-5, chuẩn bị cho cuộc Đối thoại chiến lược Kinh tế Mỹ – Trung dự kiến diễn ra vào tháng tới và chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington vào tháng 9.
Ông Kerry cảnh báo Trung Quốc rằng quá trình cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo trái phép của nước này tại quần đảo Trường Sa sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực đối với sựổn định khu vực cũng nhưảnh hưởng xấu tới mối quan hệ Mỹ – Trung.
Rất có thể vì cuộc đối thoại này mà các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không đối đầu trực diện với Mỹ, nhưng tìm các cách loại trừ sự can dự của Washington và cáo buộc ngược các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông.
Dường như chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang đáp ứng lá thư hồi tháng 2-2015 của các chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, Hạ viện Mỹ cùng Ủy ban Quân vụ Thượng viện, để tiến đến thực hiện một chiến lược đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ khi lá thư được công bố hồi tháng 3, có một loạt quan chức cấp cao Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc, từ Chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Chỉ huy Hạm đội châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và cả Tổng thống Obama.
Theo cách nhìn của chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer, Trung Quốc rất khôn ngoan trong việc tiết chế cách hành xử của mình để phù hợp với các hoàn cảnh. Trung Quốc sẽ cố lôi kéo từng nước ASEAN trong một số hoạt động mang tính biểu tượng để làm giảm vai trò của Mỹ.
Phép thử thực sự sẽ đến vào cuộc họp của Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc để thực hiện Các nguyên tắc DOC ở Biển Đông sắp tới. Trung Quốc sẽ phàn nàn và cố gắng thuyết phục các nước ASEAN rằng Mỹ đang gây bất ổn trong khu vực.
Phần lớn các nhà quan sát quốc tế đều nhận định Bắc Kinh đánh giá Washington chỉ khuyến cáo chứ không dám can thiệp nên vẫn tiếp tục gây hấn, điều này khiến Mỹ cảm thấy uy tín bị đe dọa và cần phải hành động.
Nhà phân tích Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã nhận định như vậy và cho rằng mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc dùng các đảo mới xây đắp để đe dọa các nước láng giềng, cản trở tự do hàng hải. Washington cũng muốn gửi đến Bắc Kinh thông điệp rằng cường quốc quân sự này sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.
Phải chăng vì vậy mà học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) dự báo viễn cảnh tàu chiến Mỹ và Trung Quốc vờn nhau ở khu vực gần các đảo nhân tạo sẽ dẫn tới những vụ đụng độ quy mô nhỏ và có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Prashanth Parameswaran nhận định kế hoạch của Mỹ có thể đẩy Trung Quốc vào thế khó. Để phản đối Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ phải chính thức tuyên bố rằng các đảo nhân tạo vừa cơi nới là đảo có thể dùng làm cơ sở xác định phạm vi vùng biển chủ quyền.
Nhưng đó lại là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng. Nếu im lặng để tàu chiến và máy bay Mỹ tự do hoạt động, Bắc Kinh sẽ mất mặt nghiêm trọng. Mà chắc chắn Trung Quốc không muốn công khai gây xung đột trên Biển Đông vào lúc này.