Trong một công hàm gửi tới tất cả phái đoàn thường trực các nước ở Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc dừng ngay xây đảo ở vùng biển Trường Sa.
Trước việc phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gần đây gửi công hàm tới phái đoàn thường trực các nước tại Liên Hiệp Quốc khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động xây dựng của nước này tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”, ông Lê Hải Bình – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – cho rằng đây là những quan điểm sai trái và không có bất kỳ cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như thực tế nào.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN. Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chỉ trong năm tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng trái phép tại năm tiền đồn trên quần đảo Trường Sa lên gấp bốn lần từ khoảng 200 hécta vào tháng 12-2014 và hiện nay lên tới 810 hécta. Tại các nơi vừa nói, Trung Quốc đang sử dụng thiết bị hạng nặng để xây dựng cơ sở mà giới chức Mỹ nghi có thể được sử dụng để mở rộng tiền đồn gồm cảng, hệ thống giám sát và liên lạc cùng các cửa ngõ hỗ trợ hậu cần.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hiện vẫn chưa rõ mục đích cuối cùng của các dự án mở rộng này, trong khi đó chính phủ Trung Quốc tuyên bố những dự án đó chủ yếu để cải thiện điều kiện sống và làm việc cho lực lượng đồn trú trên các đảo.
Bản báo cáo cũng lưu ý rằng phần lớn giới phân tích tin rằng Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi nguyên trạng thực địa bằng cách củng cố kiến trúc phòng thủ trên Biển Đông.
Gia Minh (DNSGCT)