Canh chua đồng có gì khác canh chua ở quán hàng ngoài phố chợ? Một bận nào đó, về vùng quê sông nước Cửu Long, bạn được đãi một bữa cơm đồng nội với món canh chua mà hương vị có thể khiến bạn nhớ lâu hơn các bữa tiệc nhà hàng thịnh soạn.
Nồi canh chua miệt đồng có các thành phần nguyên liệu sau: cá đồng kiếm được nhờ đặt lưới, giăng câu còn tươi rói thường được rọng trong lu, hũ hoặc nuôi trong ao nhà. Rau, bổi đa phần được hái ngoài tự nhiên hay trong vườn, ruộng nhà. Bà chủ nhà bắc nồi nước lên bếp, dằn tí muối hột. Cá rô, cá lóc, cá sặc, cá mè (hoặc lươn) đã làm sạch để sẵn. Nước sôi, bà bỏ dần các thứ rau vào, đặc biệt phải có rau muống trâu (cọng to, màu tím), bông lục bình, cù nèo, tai tượng, bông súng, bông điên điển, môn đúm, bông so đũa hay rau nhút, rau ngổ, chuối cây xắt mỏng hoặc bắp chuối bào… Chất làm chua cũng đa dạng và đặc sắc: cơm mẻ tán nhuyễn, xoài sống dầm nước sôi lấy nước cốt chua, hoặc trái bần, trái giác, lá giang… Khi các loại rau vừa chín héo, còn dốt dốt trong nồi thì thả cá vào. Giữ lửa liu riu khi cá và rau vừa chín tới, lúc này mới nêm gia vị và chất chua. Khâu cuối cùng quyết định hương vị của nồi canh chua là rau nêm. Rau nêm miệt đồng cũng khác: tần dày lá, ngò gai hoặc mò om tía xắt nhuyễn…
Canh được múc ra tô, hương vị miền quê ngào ngạt. Cạnh đó là chén ớt hiểm xanh đâm với muối để chấm cá. Bữa cơm quê trong buổi chiều sông nước khiến lòng lâng lâng, thư thái và bạn sẽ cảm nhận được canh chua đồng mới ngon cỡ nào, nếu thêm chén rượu đế để nhâm nhi lại càng mê man khẩu vị!
Ngọc Xoàn (DNSGCT)