Có câu chuyện ngắn về việc mài rìu xin được giới thiệu lại với độc giả.
Anh Nam làm việc cho một công ty khai thác gỗ rừng. Khi ấy chưa có máy cưa hiện đại nên việc đốn hạ cây chủ yếu dựa vào sức người và công cụ chính là chiếc rìu. Nam đã làm việc năm năm nhưng chưa một lần được tăng lương.
Do công việc nhiều hơn nên người chủ công ty thuê thêm một nhân viên tên Bình. Chỉ một năm sau khi nhận việc, Bình được tăng lương. Việc ấy làm cho Nam phiền lòng. Anh ta đến gặp ông chủ để hỏi cho ra lẽ.
Người chủ bình thản giải thích: “Đúng là anh đã vào làm việc lâu hơn, nhưng công ty dựa vào năng suất lao động của từng người để quyết định tiền lương. Trong năm năm qua, số cây mà anh đã đốn được hằng năm gần như nhau, nghĩa là không tăng lên rõ ràng nên công ty chưa thể tăng lương cho anh được”. Và ông chủ “gút” lại vấn đề: “Nếu năm nay hạ được nhiều cây hơn, anh sẽ được tăng lương”.
- Xem thêm: Nên giao chỉ tiêu theo tần suất nào?
Nam quay về và cố gắng dồn sức để hạ được nhiều cây hơn như mong muốn của ông chủ, hy vọng nhờ đó sẽ được tăng lương. Sau nhiều ngày nỗ lực làm việc, đến lúc kiểm tra số cây đã đốn được, Nam thấy chán nản khi nhận ra là tình hình không biến chuyển bao nhiêu. Anh ta lại đến gặp ông chủ và trao đổi về khó khăn của mình.
Người chủ trả lời: “Tốt nhất là anh nên đi hỏi anh Bình. Anh ấy biết một điều gì đó mà lúc này tôi và anh còn chưa biết được”. Nam tìm Bình để nêu thẳng thắc mắc của mình. Bình không giấu giếm: “Sau khi hạ xong một cây, tôi để ra ít phút mài rìu cho bén lại và nghỉ ngơi một chút rồi đi hạ cây tiếp theo. Vậy anh có mài rìu như tôi không?”. Câu hỏi ấy làm Nam giật mình. Rõ ràng anh ta đã không làm điều xem ra khá đơn giản ấy.
Câu chuyện này không cho biết sau đó Nam có được tăng lương hay không, mà kết thúc bằng đoạn sau: “Lần cuối cùng mà bạn mài rìu của mình là lúc nào? Nếu bạn muốn tiến lên trong cuộc sống, bạn không thể nghỉ ngơi trên vinh quang quá khứ của mình mãi. Bạn phải liên tục mài chiếc rìu của bạn để nó luôn sắc bén. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, kiến thức và kỹ năng chuyên môn của bạn phải thường xuyên được mài giũa. Có vậy bạn mới đạt được mục tiêu mới của mình”.
Vẫn là đề tài quen thuộc về mối quan hệ giữa năng suất lao động với tiền lương, nhưng câu chuyện trên lại theo một hướng khác. Muốn tăng năng suất thì phải làm gì? Trong lúc làm việc, những nhân viên rành việc thường biết “chế” ra các công cụ phụ trợ để nâng cao khối lượng hoặc chất lượng công việc mà họ được giao.
Ngày nay, khi hằng ngày chúng ta thường xuyên làm việc với máy tính để bàn thì một số người nhanh nhạy cũng luôn biết cách nâng cao hiệu suất làm việc trên máy tính, đôi khi chỉ đơn giản là áp dụng kỹ năng gõ tắt hay lập bảng mà công việc được xử lý trên máy tính nhanh hơn. Việc “chế” ra công cụ phụ trợ không phải là điều người nào cũng quan tâm nên chỉ ai luôn có ý thức tìm tòi, cũng giống như anh Bình thường xuyên lo mài rìu, thì mới nâng cao được năng suất lao động.
- Xem thêm: Thử thách để phát triển
Tuy nhiên, trong thực tế, luôn có không ít nhân viên chỉ biết làm việc theo bản năng và trình độ có sẵn rồi tự thỏa mãn. Do đó, nhà quản trị phải xác định một loại nhiệm vụ quan trọng của mình là kích thích các nhân viên dưới quyền “tự làm mới” bản thân.
Thậm chí nhiều khi nhà quản trị phải quan tâm tìm hiểu để phát hiện ra nhân viên nào đã “chế” được công cụ phụ trợ mới mà hướng dẫn các nhân viên khác học tập và làm theo. Khi tất cả các nhân viên cùng vận dụng được một điều mới hữu ích nào đó thì năng suất lao động của cả tập thể tất nhiên cũng tăng lên.