Tuy nhiệm kỳ hai chức vụ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc của ông Ban Ki-moon đến cuối năm 2016 mới kết thúc, nhưng ngay từ bây giờ, các nhà bình luận, phân tích thời sự đã bàn những vấn đề liên quan đến chuyện đề cử người thay thế ông Ban. Trước tiên, có ba vấn đề được chú ý đặc biệt, một là nguyên tắc luân phiên khu vực, nơi xuất thân của ứng viên, hai là nhu cầu có một nữ tổng thư ký sau hơn 70 năm tồn tại của LHQ và ba là sự trong sạch hơn nữa của một tổ chức đã thể hiện nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới.
Về mặt nguyên tắc, bản Hiến chương LHQ đề cập rất ít đến thủ tục đề cử tổng thư ký. Điều 97 của văn kiện quan trọng này chỉ quy định là Đại hội đồng LHQ sẽ bổ nhiệm một tổng thư ký theo đề cử của Hội đồng Bảo an. Hội đồng này sẽ chọn ứng viên tổng thư ký theo túc số 9/15, nhưng sự đồng thuận của năm hội viên thường trực gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc là yếu tố bắt buộc. Năm 1996, sự đồng thuận này đã bị thử thách khi ông tổng thư ký đương nhiệm Boutros Boutros Ghali nhận được 14/15 phiếu trong một cuộc bầu cử thăm dò, ngoại trừ Mỹ. Lý do là ông Ghali đã làm mất lòng Washington khi lên tiếng phê phán về tình hình Trung Đông. Một tuần sau, ông Kofi Annan, một viên chức cũ của LHQ nhận được đủ túc số 15/15 hội viên Hội đồng Bảo an. Một trường hợp cũng tương tự như thế khi nỗ lực tái ứng cử chức vụ tổng thư ký lần thứ ba vào năm 1981 của ông Kurt Waldheim bị Trung Quốc phủ quyết. Để giải quyết những bế tắc về mặt thủ tục, có người đề nghị nên chọn hơn một ứng cử viên, nhưng điều này trái với nghị quyết số 11 năm 1946 của Đại hội đồng LHQ là Hội đồng Bảo an chỉ được đề cử một ứng viên mà thôi.
Xét về nguyên tắc luân phiên người thuộc các khu vực khác nhau được đề cử vào chức vụ này, khối Tây Âu và các nhóm khác (WEOGs) đã đề cử hai tổng thư ký đầu tiên, trong đó ông U Thant, người Myanmar được chỉ định, dù cho có sự chống đối ban đầu của Pháp. Nhóm Đông Âu đang đòi chức tổng thư ký sau ông Ban Ki-moon vì họ chưa từng có một ứng viên nào được đề cử. Nghị quyết số 51/241 ủng hộ họ và trong số những người có thể được đề cử có ông phụ tá Tổng thư ký, nguyên Tổng thống Slovenia Danilo Turk; Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), bà Irena Bukova, người Bulgaria; Cao ủy Ủy ban châu Âu Kristalina Georgieva, người Bulgaria; Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite; Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Monte Negro, Igor Luksic, và đại diện thường trực Romania Simona Miculescu.
Tính đến nay, khối WEOGs đã có người giữ chức vụ tổng thư ký LHQ ba lần, khu vực châu Á – Thái Bình Dương hai lần, châu Phi hai lần, châu Mỹ Latinh và vùng Caribê một lần. Lần này cơ hội của khối Đông Âu khá cao, tuy nhiên nhiều người khác cũng đang được xem là có triển vọng như ông Kevin Rudd, nguyên Thủ tướng Úc; bà Helen Clerk, nhà quản trị của Tổ chức Phát triển Kinh tế LHQ (UNDP), nguyên Thủ tướng New Zealand; ông Antonio Guterres, Cao ủy Tỵ nạn LHQ, nguyên Thủ tướng Bồ Đào Nha; và bà Michelle Bachelet, Giám đốc điều hành tổ chức Phụ nữ LHQ, đương kim Tổng thống Chilê. Phong trào không liên kết, một tổ chức chính trị rộng lớn của các nước đang phát triển, đang ủng hộ mạnh mẽ cho việc đề cử một phụ nữ thay thế ông Ban Ki-moon.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)