Theo một báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển (SIPRI) công bố vào trung tuần tháng 3-2015, các cuộc xung đột diễn ra tại Syria, Iraq, Libya và Yemen đã khiến cho vũ khí đổ ào ạt vào khu vực Trung Đông. Hai quốc gia thủ lợi nhiều nhất trong các thương vụ mua bán vũ khí hiện nay là Mỹ và Nga, tiếp theo là Trung Quốc. Các dữ liệu của SIPRI cho thấy lượng vũ khí nhập vào các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, Qatar, Ả Rập Saudi, Kuwait, Oman và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã tăng 71% trong khoảng thời gian giữa những năm 2005-2009 và những năm 2010-2014, chiếm 54% lượng vũ khí nhập vào toàn vùng Trung Đông. Vào những năm 2010-2014, Ả Rập Saudi trở thành nước mua vũ khí đứng thứ hai thế giới, với khối lượng nhập khẩu nhiều gấp bốn lần so với giai đoạn 2005-2009. Tuy nhiên, không chỉ nhập khẩu vũ khí, một số nước trong GCC như Ả Rập Saudi, UAE và Qatar còn xuất khẩu vũ khí, phần lớn là không chính thức, sang một số khu vực đang có chiến tranh ở Syria, Libya, Iraq và Yemen.
Theo tiến sĩ Natalie J. Goldning thuộc Đại học Georgetown, Mỹ, báo cáo của SIPRI chỉ chú trọng đến các loại vũ khí quy ước lớn, chưa tính các loại vũ khí nhẹ. Mặt khác, trong thời gian qua, giá dầu xuống nhanh khiến cho nhiều nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông bị thất thu và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hiện đại hóa vũ khí của họ. Nhưng theo nhận định của nhiều nhà phân tích, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, còn về lâu dài, sự hồi phục của các nước Trung Đông, đặc biệt là nhóm GCC, sẽ khiến thị trường vũ khí trở lại với sức mạnh ban đầu. Một điều ít ai ngờ là vào những năm 2010-2014, khoảng ba phần tư số quốc gia trên thế giới có nhập vũ khí quy ước loại lớn và trong số 10 quốc gia nhập đến 50% tổng lượng vũ khí, châu Á chiếm phân nửa, gồm Ấn Độ (15% tổng khối lượng nhập khẩu toàn thế giới), Trung Quốc (5%), Pakistan (4%), Hàn Quốc (3%) và Singapore (3%). Như vậy chỉ năm nước châu Á trên đã nhập 30% lượng vũ khí bán ra trên phạm vi toàn cầu. Nếu tính riêng khu vực châu Á thì Ấn Độ nhập khẩu 34% khối lượng vũ khí, gấp hơn ba lần Trung Quốc. Sự gia tăng nhập khẩu vũ khí ở khu vực châu Á được giải thích bởi hai yếu tố, một là sự phát triển kinh tế nói chung của cả khu vực, hai là châu Á đang trải qua nhiều bất ổn do các xung đột tại nhiều nơi, với nguy cơ ngày càng mở rộng. Về mặt chia sẻ thị phần của những nhà xuất khẩu vũ khí lớn thì Mỹ vẫn dẫn đầu với 31%, kế đó là Nga 27%, Trung Quốc đứng thứ ba, 5%.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)