Thời gian gần đây, tại Sài Gòn có một nhóm các bạn trẻ với những cá tính rất khác nhau nhưng có chung nguồn cảm hứng là dùng nhiếp ảnh để ghi lại khoảnh khắc của con người trong cuộc sống đời thường và chia sẻ trong cộng đồng, gây được sự chú ý của nhiều người. Với tên gọi Humans of Saigon (HOSG), các bạn đã mang đến một góc nhìn chân thực khiến người xem cảm thấy mảnh đất này thật gần gũi, luôn có những con người với tấm lòng cởi mở, nhiệt thành, yêu cuộc sống. Mục đích của các bạn là thông qua những bức ảnh như những-câu-chuyện-đời là giản dịấy để mọi người đến gần nhau hơn, chia sẻ và yêu thương nhau hơn, phần nào xóa đi những khoảng cách trong cuộc sống.
Ý tưởng này xuất phát từ hoạt động của Humans of New York (Mỹ) do nhiếp ảnh gia Brandon Stanton sáng lập và lan tỏa đến nhiều nơi. Tại Hà Nội cũng có Humans of Hà Nội ra đời vào 12-2013 và sau đó là Humans of Sài Gòn ra đời vào 6-2014. Từ quan điểm cuộc sống ở đâu cũng có những khác biệt, chính vì vậy mà người New York, Paris, Hà Nội… hay Sài Gòn đều có sự thú vị riêng, các bạn HOSG tin rằng ai cũng có một câu chuyện hay để kể một khi chúng ta biết mở lòng và lắng nghe.
Người sáng lập HOSG là cô bạn gái 9X Trương Hồng Ngọc. Là một người trẻ thích những hoạt động vì con người nên khi biết Humans of Hà Nội ra đời, Hồng Ngọc liền có ý tưởng nên thành lập một dự án như thế ở Sài Gòn. Khó khăn ban đầu là nhân sự, Hồng Ngọc phải mất thời gian giới thiệu dự án để tìm kiếm các bạn cùng ý thích. Sau khi đã tập hợp được thành viên thì lên kế hoạch triển khai, thống nhất cách làm việc. Nhóm phải sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc đi học, đi làm của các bạn. Hiện nay HOSG đã có gần 40 bạn gồm thành viên và cộng tác viên, đa số là sinh viên các trường đại học ở TP.HCM như RMIT, Kinh tế, Bưu chính Viễn thông, Hoa Sen, Văn Lang… Hồng Ngọc bày tỏ: “HOSG đã cho tôi rất nhiều điều bổ ích, đó là có được những người bạn, người anh em cùng lý tưởng, cùng mong muốn chia sẻ và gắn kết mọi người trong cuộc sống với nhau. Đặc biệt, HOSG còn giúp chúng tôi trưởng thành hơn, nhìn cuộc sống một cách rộng mở. Tôi hiểu được biết được lắng nghe và chia sẻ cũng là cách mang lại cho mình hạnh phúc”.
Chủ nhật hằng tuần, các thành viên sẽ tụ họp lại để cùng bàn bạc về việc sẽ làm, sau đó nhóm chia thành từng cặp đi khắp phố phường Sài Gòn để ghi lại những khoảnh khắc, câu chuyện của những người họ gặp ngẫu nhiên trên đường. Trong hành trình ấy, có những câu chuyện để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí các bạn trẻ. Phạm Việt Anh Minh, sinh viên Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ, bạn không kìm được xúc động và suy nghĩ nhiều ngày sau về tâm sự của một bạn trẻ. Khi được hỏi sẽ làm gì nếu có cỗ máy thời gian, bạn ấy đã trầm tư trả lời: “Tôi sẽ quay về lúc ba tuổi vì lúc đó tôi còn có ba!”. Tham gia HOSG từ những ngày đầu, Anh Minh không xem đây là một cuộc chơi mà cho biết sẽ dấn thân với HOSG nhiều hơn nữa với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa vì cộng đồng. Chẳng hạn, HOSG sẽ tập hợp những người đã từng được phỏng vấn và tổ chức các buổi trò chuyện để họ có thể chia sẻ câu chuyện đời họ, cũng như lắng nghe câu chuyện của những người khác trong một không gian kết nối tâm hồn, không phân biệt ranh giới xã hội; tổ chức các buổi triển lãm ảnh… Mỗi người có một lý do để tham gia HOSG nhưng điều mà các thành viên HOSG đều cảm nhận là công việc này cho các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, một cách để các bạn trang bị và hoàn thiện kỹ năng sống khi bước vào đời. Bạn Nguyễn Hồng Ân đến với HOSG để cảm nhận rõ hơn tình yêu đối với Sài Gòn, trải nghiệm niềm đam mê nhiếp ảnh; bạn Nguyễn Đình Đức Trí vì thấy dự án ý nghĩa nhân văn, qua đó trao dồi thêm kỹ năng cho bản thân…
Để có được những bức hình chân thực, tự nhiên, ghi lại những khoảnh khắc đời thường, các bạn HOSG phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Có khi chụp được từ xa nhưng phần lớn các bạn phải tiếp cận nhân vật, trò chuyện và xin phép họ đồng ý cho chụp ảnh. Không ít người có những câu chuyện hay, xúc động hay một hoàn cảnh đặc biệt nhưng họ chưa sẵn sàng cho việc chụp ảnh nên các bạn phải tôn trọng ý kiến của họ. Điều các bạn ngẫm ra khi tiếp xúc với họ là nhiều người cô đơn giữa cuộc sống ồn ào. Từ những người già, phụ nữa, thanh niên đến những đứa trẻ… dù trông vô tư hay có tâm trạng phó mặc nhưng khi được khơi gợi, trò chuyện, họ đều chất chứa rất nhiều nỗi niềm, cả âu lo, hy vọng…
Có thể thấy phía sau những câu hỏi, câu trả lời đơn giản là nhiều số phận khác nhau. Bức ảnh chụp một thanh niên đánh giày đang ngồi có câu chuyện như thế này: “Anh làm nghề này được bao lâu rồi?” – “Làm cũng 3-4 năm rồi, trước có làm những việc khác nữa. Nhà đông anh em nên em ra đời sớm, từ năm lớp 7”. “Anh có dự định lấy vợ không?” – “Giờ cũng 25 tuổi rồi, nhà chỉ còn mình em, bố mẹ cũng giục nhưng nghĩ đến thân mình lo chưa xong… Em chẳng biết sau này như thế nào. Đến đâu thì đến…”. Hay một người già ngồi ăn cơm hộp từ thiện bên đường kể chuyện của mình lẫn trong tiếng cười chứa nhiều tâm trạng: “Có nhiều khi đi cả ngày mỏi chân, gặp mấy băng ghế, tui lót dép ngồi. Có khi mỏi quá tui ngồi xong ngủ gục luôn. Có lần tui ngủ gục bị lấy mất cái nón với cái áo mưa. Cái ông xe ôm đằng kia thấy tôi lạnh quá nên cho cái nón mới nè. Nhà tui dưới Cần Thơ, nhỏ lắm, ngang 2 mét, dài 2 mét. Người ta liệng cái tủ ở ngoài đường, tui kéo về để đồ, thêm chiếc xe đạp vô, chật quá tui nằm có chút à (cười). Bữa nay đi lượm ve chai cả ngày mà không được gì hết”. Hay mơ ước của một cô bé khoảng 10 tuổi đầu khiến ai cũng thương cảm: “Cả nhà em từ Thanh Hóa vào đây, nhưng bố em đã bỏ hai mẹ con em mà đi. Bố không thương em nữa. Điều duy nhất em ước muốn là bố mẹ em hòa thuận lại với nhau”. Hay sự vui vẻ, vô tư của người đàn ông làm việc tay chân khi các bạn xin phép chụp hình: “Em chụp đi. Bọn anh lao động chứ có phải là làm gì phạm pháp đâu mà sợ. Lao động là vinh quang mà”. Lời tâm sự của một ông bố trẻ cũng rất đáng yêu: “Đi làm có khi bị stress, nhưng chỉ cần về nhà chơi với con, nhìn con cười là đủ năng lượng để tiếp tục làm việc”.
Và có những câu chuyện nhẹ nhàng, đẹp như Sài Gòn những buổi sớm mai về hai người đang nhìn về một hướng: “Cô có một mảnh đời riêng, chú cũng có một mảnh đời riêng. Chú thì đã có một đời vợ và hai đứa con nhưng đã ly dị từ lâu nên giờ chú độc thân. Còn cô thì vẫn độc thân từ trước giờ. Hiện tại cô và chú đang tìm hiểu nhau thôi chứ chưa ghép lại với nhau. Hai cô chú vừa đi dự lễ ở nhà thờ ra…”. Nụ cười hạnh phúc có phần muộn màng của hai người trong khoảnh khắc các bạn HOSG bấm máy khiến các bạn như được vui lây niềm vui của họ.
- Thu Ngân