Đại khu vực hạ lưu sông Mekong (GMS) sẽ trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa giá rẻ cho châu Á và thế giới khi khu vực trọng điểm này ngày càng gắn kết với nhau hơn bao giờ hết. GMS bao gồm Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan và khu tự trị Quảng Tây và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Theo chuyên gia kinh tế tại IHS Global Insight khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi thế mạnh công nghiệp hóa của Trung Quốc đặc biệt là tại các khu vực duyên hải bao gồm Đồng bằng sông Dương Tử (từ Thành Đô đến Thượng Hải) và Đồng bằng Châu Giang (Quảng Đông, Hongkong và Macao) phải đối mặt với áp lực gia tăng giá cả lao động, thì khu vực GMS có tiềm năng rất lớn – về cả chất lượng lẫn số lượng – để thay thế.
Chỉ trong năm 2014, tổng giá trị GDP của khu vực này đã đạt 1.100 tỉ USD, cao hơn cả Indonesia vốn là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong năm 2015, khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 6,2% và đạt mức tổng GDP 3.000 tỉ USD vào năm 2024. Mặc dù sáu quốc gia và vùng lãnh thổ này chiếm gần 5% tổng giá trị sản xuất hàng hóa toàn cầu, nhưng IHS khẳng định cơ sở hạ tầng chính là khiếm khuyết lớn nhất hạn chế tiềm năng tăng trưởng của khu vực. Nếu kết nối giao thông được tăng cường tại Đông Nam Á cho phép mạng lưới tàu lửa siêu tốc và hệ thống xa lộ hiện đại kết nối giữa các tỉnh miền Nam Trung Quốc đến tận Ấn Độ Dương thông qua Thái Lan và Myanmar, không chỉ hệ thống logistics hàng hóa được cải thiện đáng kể mà còn tăng cơ hội hình thành và phát triển các cảng biển cũng như khu vực mậu dịch tự do giữa các nước trong khu vực, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế đa phương. Ngoài cơ sở hạ tầng, GMS cần phải tập trung nhiều hơn vào ba yếu tố sau để thúc đẩy tăng trưởng trong phân khúc sản xuất, đó là tăng cường kế hoạch hợp tác trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), thu hút vốn đầu tư từ nhiều quốc gia thuộc nhiều khu vực kinh tế khác nhau và áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến.
Theo McKinsey, mặc dù Trung Quốc vẫn đang hưởng lợi thế của trung tâm sản xuất số 1 thế giới nhưng nền kinh tế này đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tốc độ tăng lương hai con số đang khiến các công ty nước ngoài lo ngại và hướng mắt sang các nền kinh tế cạnh tranh hơn. Trong năm 2014, lương căn bản đã tăng ít nhất 13% tại 20 trong 32 thành phố hàng đầu Trung Quốc, khiến giá cả lao động trung bình của công nhân Trung Quốc là 28 USD/ngày so với 7 USD/ngày của công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không xem GMS là một đối thủ cạnh tranh, mà sẽ tăng cường đầu tư vào như một chiến lược kinh tếưu tiên trong thập niên tới. Mới đây, Bắc Kinh đã cam kết gói hỗ trợ tài chính 11,5 tỉ USD cho khu vực này, bao gồm 1 tỉ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng và khoản tiền ấy đến từ dự án Con đường tơ lụa (Silk Road Fund) 40 tỉ USD được Trung Quốc thành lập hồi tháng 11-2014, trực tiếp nhắm đến các nền kinh tế GMS như Lào, Myanmar và Việt Nam.
Lâm Kiên theo CNBC (DNSGCT)