Năm 2014 được đánh dấu bằng những biến động sâu sắc có tầm ảnh hưởng đến sự an nguy toàn cầu. Nhiều bất ổn dai dẳng trước đây ở Afghanistan, Iraq, Syria… tuy vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng đã như những bức tranh nhạt màu, nhường chỗ cho các biến động mới và đậm nét hơn, trong đó nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây, bên kia là nước Nga dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào hạ tuần tháng 2, khi quốc hội Ukraina bỏ phiếu cách chức Tổng thống Viktor Yanukovych (đã được bầu lên một cách hợp pháp trước đó) và sáu ngày sau (28-2), chính quyền Moscow đưa quân đội vào bán đảo Crưm (Crimea) với danh nghĩa bảo vệ quyền lợi của công dân Nga tại đây.
Cuối cùng, việc ông Putin chính thức sáp nhập Crưm vào liên bang Nga đã làm dấy lên một làn sóng dư luận phản đối, khởi đầu với việc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua quyết nghị 68/262 ngày 27-3 công nhận bán đảo Crưm nằm trong ranh giới quốc tế của Ukraina và bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vùng đất này vào Liên bang Nga.
Năm ngày sau đó (1-4-2014), Tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO đình hoãn mọi hợp tác dân sự và quân sự với Nga. Về phần mình, chính quyền Mỹ cũng ban hành những chế tài nghiêm ngặt nhất liên quan đến tài sản và các cuộc công du của nhiều quan chức cao cấp Nga.
Những tháng cuối năm, giá dầu tụt dốc thê thảm, đưa nền kinh tế Nga vốn dựa phần lớn vào xuất khẩu dầu đến một tình thế nghiêm trọng chưa từng có trong những năm gần đây: lạm phát hơn 10%, lãi suất nâng liên tục, đến mức 17%/năm. Cuộc khủng hoảng giữa Moscow với Mỹ và phương Tây được các nhà bình luận đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ sau khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt.
Năm 2014 cũng được đánh dấu một cách khá bất ngờ với sự trỗi dậy và những hoạt động hết sức tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) được thành lập vào những năm đầu thập niên 2000, từng cam kết trung thành với tổ chức Al-Qaeda của Bin Laden.
Tổ chức này tuyên bố lãnh thổ của họ bao gồm Iraq và Syria, trong tương lai sẽ có cả Lebanon, Israel, Jordan, Cyprus và Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Từ tháng 6 đến nay, IS đã có những hành vi làm rúng động thế giới như chặt đầu nhà báo Mỹ, các công dân Anh và Pháp, sát hại 600 tù nhân Iraq cùng 150 phụ nữ không chịu kết hôn với các tay súng IS và giết cả 100 tay súng nước ngoài trong hàng ngũ IS có ý định bỏ trốn.
Những thông tin gần đây cho biết tổ chức này còn lấy nội tạng của những người bị chúng xử tử để bán ra trên thị trường. Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đề ra sách lược chống lại tổ chức IS và chắc rằng trong năm mới 2015, đây sẽ là một trong những trọng tâm an ninh toàn cầu của họ.
Tại Trung Đông, những xung đột ngấm ngầm giữa Israel và tổ chức Hamas của Palestine lại có dịp bùng phát vào tháng 7 sau khi ba thiếu niên Israel bị bắt cóc và sát hại tại Bờ Tây vào những ngày tháng 6. Cuộc xung đột kéo dài nhiều ngày với cảnh Hamas bắn nhiều tên lửa vào khu vực của người Do Thái sinh sống và Israel đưa quân xâm nhập sâu vào dải Gaza, áp dụng những biện pháp trả đũa mạnh nhất.
Chỉ trong tháng 7, số thương vong của phía Hamas đã lên đến con số 1.346 người, trong đó có không ít dân thường, phía Israel tổn thất 56 lính và ba thường dân. Liên Hiệp Quốc, NATO và Mỹ cùng bày tỏ lập trường là Israel có quyền tự vệ, đồng thời cũng lên án Israel đã gây ra nhiều thương vong cho dân thường ở dải Gaza. Nhiều cuộc ngưng bắn được quốc tế dàn xếp nhưng cứ lần lượt bị phá vỡ, mãi đến những ngày cuối tháng 8, tình hình mới tạm lắng dịu.
Tháng cuối năm 2014, thế giới cũng phấn khởi ghi nhận một thông tin tích cực từ việc chính quyền Mỹ tuyên bố khởi đầu tiến trình bãi bỏ cấm vận đối với Cuba sau hơn 50 năm đóng băng quan hệ giữa hai nước.
Tại châu Á, biến động đáng chú ý xảy ra vào ngày 22 tháng 5, khi quân đội Thái Lan lật đổ chính phủ Niwatthamrong Boonsongpaisan sau một thời gian bất ổn chính trị không lối thoát. Tại Đặc khu hành chính Hongkong, cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ bùng lên vào tháng 9 và kéo dài suốt 11 tuần lễ, có lúc thu hút đến 100 ngàn người tham gia, cuối cùng đã bị chính quyền trấn áp sau khi bắt giữ nhiều nhân vật chủ chốt trong sự biến này.
Tại quốc gia Đông Á Nhật Bản, cuộc bầu cử Quốc hội mang lại thắng lợi lớn cho đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền và ông Shinzo Abe cũng vừa được cơ quan lập pháp nước này tái cử vào chức vụ thủ tướng. Trong quan hệ giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines cho thấy sự hiếu chiến trong cách hành xử của nhà cầm quyền Trung Quốc. Việc họ đưa giàn khoan dầu vào vùng lãnh hải được luật pháp quốc tế công nhận của Việt Nam một lần nữa cho thế giới nhìn rõ bản chất gây hấn của họ.
Năm 2014 cũng chứng tỏ những nỗ lực chống khủng bố của thế giới chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra và dân thường, thậm chí các em học sinh vô tội, đã không được bảo vệ hữu hiệu trước các hành vi man rợ của bọn khủng bố.
Ngày 14-4, 276 nữ sinh và phụ nữ lớn tuổi bị bọn khủng bố bắt cóc tại một trường học ở Nigeria; ngày 20-5, cũng tại Nigeria, chúng làm nổ bom, giết chết 118 người. Tàn bạo nhất có lẽ là vụ khủng bố mới xảy ra vào ngày 16-12 tại một trường học ở Peshawar, Pakistan, khi các tay súng Taliban bắn chết ít nhất 141 người, trong đó có 132 trẻ em. Cả thế giới rúng động trước sự tàn sát dã man này, buộc các chính phủ phải soát xét lại sách lược chống khủng bố của họ.
Ngành hàng không dân sự năm 2014 khiến cho cả thế giới bàng hoàng với vụ mất tích đầy bí ẩn của chuyến bay MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia chở theo 239 người, khởi hành tại Kuala Lumpur ngày 7-3 và chỉ năm tiếng đồng hồ sau đã biến mất hoàn toàn.
Mọi phương tiện truy tìm, cứu hộ được huy động, nhưng sau một thời gian dài, những nỗ lực tìm kiếm được mô tả là tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không đã không mang lại một kết quả nào. Không chỉ có thế, hơn bốn tháng sau, ngày 17-7, ngành hàng không Malaysia lại đón nhận một tổn thất nghiêm trọng nữa khi chuyến bay MH17 của họ chở theo 283 hành khách và 15 phi hành đoàn bị tên lửa bắn rơi trên không phận Ukraina.
Những ngày cuối năm, rủi ro vẫn chưa chịu buông tha ngành hàng không Malaysia: sáng 28-12-2014, chuyến bay QZ8501 của Hãng hàng không Indonesia AirAsia thuộc công ty mẹ Malaysia AirAsia, chở theo 162 người gồm cả hành khách và phi hành đoàn, đã mất tích trên đường bay từ thành phố Surabaya (Indonesia) đi Singapore.
Các nỗ lực tìm kiếm suốt 11 tiếng đồng hồ ngay sau khi mất liên lạc với chuyến bay trên chưa đem lại kết quả nào và công việc này sẽ được tiếp tục trong những ngày sau.
Bên cạnh những cuộc khủng hoảng trầm trọng trong quan hệ giữa các siêu cường, dịch bệnh Ebola khởi phát tại Tây Phi vào tháng 2 cũng được cả thế giới theo dõi sát sao. Chỉ trong một tháng, bệnh đã cướp đi mạng sống của 59 người và không đầy năm tháng sau, số nạn nhân đã vượt quá con số 1 ngàn.
Điều đáng mừng là các nhà khoa học Mỹ đã điều chế thành công loại vaccine khống chế căn bệnh nguy hiểm này. Thuốc đang ở vào giai đoạn thử nghiệm trên các tình nguyện viên và có triển vọng được sử dụng trong tương lai gần. Năm 2014 cũng ghi nhận tình hình kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi trì trệ, với tỷ lệ tăng trưởng chung khoảng 3,3%, không thay đổi so với năm trước.
Tỷ lệ tăng trưởng của các nước công nghiệp hóa chỉ đạt 1,8%, trong khi tỷ lệ của các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang lên là 4,4%. Các dữ liệu trên cho thấy sự hồi phục kinh tế toàn cầu còn yếu ớt và có dấu hiệu bất ổn. Giá vàng thế giới trong ngày 24-12-2014 là 1.177 USD/troy ounce. Giá dầu thô tiếp tục đà tụt dốc, có lúc chỉ hơn 60 USD/thùng, đưa nước Nga và những nước có kinh tế dựa phần lớn vào xuất khẩu dầu đến một tình thế khó khăn nghiêm trọng.
Bên cạnh những yếu tố này, sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng có những tác động đáng kể vào sự phát triển chung. Trong năm qua, nhiều hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu được tổ chức với quy mô lớn để bàn các biện pháp ngăn chặn những bất lợi đối với đời sống con người trên hành tinh và công việc này được xếp chung với những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển hậu 2015 đang được xây dựng.