Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov phát biểu trước Thượng viện hôm 24-12 rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước này đã kết thúc. Giữa tháng trước, đồng rúp sụt giá xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 80 rúp đổi 1 USD dưới tác động kép của giá dầu giảm mạnh và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng nay tỷ giá đồng rúp đã phục hồi mạnh trở lại nhờ các biện pháp mạnh của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga bao gồm tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%, dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường, và yêu cầu các công ty xuất khẩu lớn bán ra một phần ngoại tệ. Đến cuối tuần qua, tỷ giá rúp đã phục hồi ở mức 52 rúp đổi 1 USD.
Tuy vậy, dự trữ ngoại hối sụt giảm, lạm phát vượt ngưỡng 10% và có thể lên đến 11% trong những ngày tới làm gia tăng thách thức mà Nga phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1998.
Theo thống kê do Ngân hàng Trung ương Nga mới công bố, dự trữ ngoại hối của nước này hiện xuống dưới ngưỡng 400 tỉ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8-2009. Nếu so với mức 510 tỉ USD vào đầu năm 2014, dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm 22%.
Giới phân tích cho rằng, trong khoảng gần 16 tỉ USD hao hụt khỏi dự trữ ngoại hối nói trên, Nga đã chi khoảng 5 tỉ USD để bảo vệ tỷ giá, 7 tỉ USD được dùng để cấp vốn vay ngoại tệ cho các ngân hàng theo nghiệp vụ repo và sẽ được trả lại về sau.
Kinh tế Nga có thể sẽ giảm tăng trưởng trong năm 2015, từ 3 – 4%, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov thừa nhận, nhưng nó đã vượt qua được những khó khăn chủ yếu. Nga sẽ có thể giữ nguyên sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của mình ít nhất là đến hết năm 2015 để chờ đợi sự chuyển biến của giá dầu.
Việc Nga ổn định nền kinh tế và không cần những khoản vay từ bên ngoài đã thật sự là một tin không vui vẻ gì với OPEC, đối thủ chính của Nga trên thị trường dầu mỏ, và với cả Trung Quốc, nước cách đây hai tuần lễ cho biết sẵn sàng hỗ trợ để Nga vực dậy đồng rúp.
Nếu chỉ cách đây chưa đầy một tuần, Trung Quốc còn đứng trước một cơ hội rất lớn để mở rộng ảnh hưởng tài chính của mình cũng như của đồng nhân dân tệ trên thị trường thế giới, thì giờ đây đó có vẻ như chỉ là một ảo vọng.
Việc Nga vẫn còn tới gần 400 tỉ USD trong quỹ dự trữ trong khi ước tính chính phủ của Tổng thống Putin chỉ cần chưa đến 10 tỉ USD để hỗ trợ hệ thống ngân hàng đang cho thấy Nga không cần thiết phải vay tiền của Trung Quốc thông qua điều khoản hoán đổi tiền tệ trị giá 24 tỉ USD giữa nước này và Trung Quốc nữa.
Điều này tạo thêm khó khăn cho việc Trung Quốc thực hiện giấc mơ biến nhân dân tệ thành một đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giao dịch và thanh toán quốc tế.
Đ.N (DNSGCT)