Giấy mới là Trúc chỉ – tên gọi do nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý đặt với hàm ý nâng niu một loại sản phẩm nghệ thuật mang hơi thở truyền thống bởi được làm từ cây tre, một “đặc sản” được nhiều người biết đến của xứ Huế. Sản phẩm này là kết quả hơn 10 năm tìm kiếm, nghiên cứu của họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Là hóa thân của cây tre – hình ảnh thân thuộc trong tâm thức mỗi người Việt, qua bàn tay tạo tác của những họa sĩ, nghệ nhân, Trúc chỉ được xem như chất gắn kết để con người tìm về, giữ gìn những nét đẹp, tinh hoa hồn Việt của người xưa.
Có thể nói sự ra đời của Trúc chỉ đã mở thêm một lối mới cho ngành nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng ở Huế. Phòng trưng bày sản phẩm Trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng và cộng sự (số 4 Triệu Quang Phục, TP. Huế) luôn có các sản phẩm ứng dụng từ Trúc chỉ như túi xách, đèn lồng, chao đèn, nón lá, dù, giấy in tranh, giấy viết thư pháp, hộp bút, hộp đựng trang sức… Ở đây chủ nhân còn sẵn lòng chia sẻ niềm đam mê về nghệ thuật Trúc chỉ với khách bằng những câu chuyện của “sự trở về” để họ thêm yêu hơn nghệ thuật Việt, văn hóa Việt.
Hành trình sáng tạo nên Trúc chỉ
Mong muốn tìm kiếm chất liệu mới cho công việc sáng tạo, từ những năm 2000, họa sĩ Phan Hải Bằng bắt tay vào nghiên cứu chế tác giấy thủ công trên cơ sở truyền thống. Được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Châu Á học (ASF), anh đi điền dã ở các tỉnh từ Bắc vào Nam, sang tận Lào, Thái Lan, nơi có các làng nghề truyền thống về làm giấy để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Anh đã thử nghiệm qua nhiều chất liệu như bã mía, bèo, rơm, chuối, lục bình… nhưng chỉ khi đến với tre, anh mới thật sựưng ý. Được Trường Đại học Nghệ thuật Huế tạo điều kiện, năm 2011, anh dựng xưởng chế tác thể nghiệm giấy thủ công từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương trong khuôn viên trường.
Quy trình làm Trúc chỉ trải qua khá nhiều công đoạn, đặc biệt phải có tinh thần sáng tạo để đảm bảo tính nghệ thuật: Tre được chẻ nhỏ, ngâm, nấu với nước vôi khoảng 12 tiếng rồi xả sạch, sau đó nghiền nhuyễn thành bột giấy. Quá trình chế tác bắt đầu ngay khi seo giấy.Khi giấy còn ướt, nghệ sĩ tác động vào mặt giấy để cho ra những hình ảnh trên tác phẩm.Trúc chỉ sau khi khô, bóc khỏi khung là đã thành một tác phẩm độc lập, hoặc có thể tiếp tục kết hợp với các nguyên liệu khác để chế tác thành nghệ phẩm.Những tấm giấy Trúc chỉ ra lò đẹp tinh tế như tiếp thêm cho anh năng lượng.Điểm đặc biệt của Trúc chỉ là mỗi sản phẩm đều là độc bản bởi các họa tiết in chìm thủ công có nét nghệ thuật độc đáo, không trùng lắp. Được sựủng hộ của nhiều người, trong đó có nhiều bạn là sinh viên, nghệ sĩ trẻ cùng niềm đam mê sẵn sàng đồng hành, thế là anh mạnh dạn thành lập dự án “nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam” để làm việc một cách bài bản hơn. Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi, hiện là quản lý dự án, từ lần tiếp xúc đầu tiên cô đã mê Trúc chỉ và quyết định “khăn gói” từ Sài Gòn ra Huế để được “sống cùng Trúc chỉ”. Với mục đích đưa Trúc chỉ gần với đời sống nên dự án chú trọng vào nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng, từ đó mà sản phẩm Trúc chỉ đa dạng hơn, không “khép mình” chỉ là tranh mà biến hóa thành nhiều vật ứng dụng phổ biến trong sinh hoạt.
Triển lãm đầu tiên với chủ đề “Ánh sáng Trúc chỉ” tại XQ Cố Đô (Huế) vào 4-2012 giới thiệu đến công chúng sự chính thức ra đời của Trúc chỉ, tiếp theo là tại XQ Đà Lạt Sử Quán (9-2012) đều nhận được sự quan tâm, yêu mến của nhiều người. Các nghệ nhân XQ đã dùng Trúc chỉ để thêu tranh, vẽ chân dung, vẽ tranh phong cảnh… mang lại hiệu ứng thẩm mỹ khác lạ.Mới đây, tuần lễ giới thiệu và triển lãm Trúc chỉ “Phép cộng và sự trở về” đã được tổ chức tại TP.HCM. Bảo Vi thay mặt gia đình nghệ thuật Trúc chỉ đã chia sẻ cùng những bạn trẻ ý nghĩa của dự án, khơi gợi lên tình yêu đối với loại hình nghệ thuật mang tính truyền thống.
Phép cộng và sự trở về
Ngay khi Trúc chỉ ra đời, họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự đã có ý tưởng kết hợp nghệ thuật Trúc chỉ với các nghề thủ công truyền thống khác để vừa làm mới cho sản phẩm, vừa hỗ trợ những làng nghề khác có cơ hội phát triển. Đó là những làng nghề truyền thống như tranh làng Sình, mây tre đan Bao La, nghề làm nón, nghề thêu… Đặc biệt, anh luôn hướng điều ấy đến đối tượng chính là các bạn trẻ, sinh viên nghệ thuật, những người sẽ tiếp nhận và phát huy vốn văn hóa dân tộc. “Phép cộng” đã được đưa vào dự án Trúc chỉ và từng bước hoàn thiện như thế.
Họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết, thông qua hiệu ứng thẩm mỹ, dự án còn mong muốn góp phần khơi gợi “sự trở về” của mọi người với những giá trị truyền thống đang dần mai một bằng cách đánh thức, nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc, gìn giữ sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trên cơ sở đó, những người trẻ sẽ tiếp nhận và phát triển các sản phẩm, kết hợp các yếu tố kỹ thuật hiện đại trong việc tạo nên những giá trị mới mà vẫn mang hồn dân tộc.
Với Huế, Trúc chỉ như một đứa con sinh sau được đặt nhiều kỳ vọng, bởi bên cạnh những giá trị nghệ thuật, nghề chế tác Trúc chỉ còn góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động, lan truyền năng lượng sáng tạo trong cộng đồng. Nhiều người có cơ hội trải nghiệm, thấu hiểu, tựtay chế tác nên những tác phẩm để rồi từ đó yêu thích văn hóa Việt. Nghệ thuật Trúc chỉ độc đáo mà gần gũi, mộc mạc mà tinh tế là như thế.
- Thu Ngân