Dư luận thế giới đang rất quan tâm đến tuyên bố gần đây của ông Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về dự tính tung ra gói kích thích mới nhằm tiếp sức cho nền kinh tế của khu vực đồng euro (eurozone) đang ở trong tình trạng trì trệ. Trước đây, ECB đã cưỡng lại áp lực phải theo gót các ngân hàng trung ương tại Anh và Nhật Bản nhằm kích thích nền kinh tế eurozone thông qua việc mua các trái phiếu chính phủ. Điều này một phần do sự chống đối từ một thành viên có thế lực của Liên minh châu Âu (EU) là Đức, vì Đức cho rằng việc mua trái phiếu kiểu đó vượt ra ngoài thẩm quyền của ECB. Trong phần lớn năm nay, do tình trạng lạm phát giảm và tăng trưởng kinh tế chậm là những vấn đề dai dẳng phải giải quyết nên vào tháng 9 vừa qua, ECB tuyên bố sẽ phải mua trái phiếu có bảo chứng và các loại tài sản khác trong vòng hai năm để kích thích nền kinh tế eurozone. Nay, theo lời ông Draghi, các chuyên gia của ECB đang chuẩn bị những bước kỹ thuật mới nhằm đẩy mạnh những “biện pháp bất quy ước” sẽ áp dụng vào đầu năm 2015. Các nhà phân tích nhận định rằng ECB đang “lấy hơi trước khi hát” và đây là một động thái cần thiết để cứu vãn eurozone. Các số liệu mới nhất cho thấy trong quý III năm nay nền kinh tế khu vực này chỉ tăng trưởng 0,2%, và trong tháng 11 vừa qua, tỷ lệ lạm phát cũng đã giảm từ 0,4% của tháng 10 còn 0,3%. Những chuyển biến đó đã khiến Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) phải lên tiếng cảnh báo là eurozone có thể lâm vào một tình trạng trì trệ kéo dài. Ông Draghi thì cho rằng giá dầu thô hạ thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ lạm phát bị giảm trong một thời gian dài. Bàn về tương lai, ECB dự báo tỷ lệ tăng trưởng chung của nền kinh tế châu Âu trong năm 2014 là 0,8%, phù hợp với những con số dự báo do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra trước đây. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng trong hai năm tới là 1% cho năm 2015 và 1,5% cho năm 2016.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph (DNSGCT)