Sốc văn hóa là chủ đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ đối với các du học sinh. Có một tâm lý chung là trước khi đi du học, bạn trẻ nào cũng nghĩ “Sốc văn hóa là vấn đề của người khác, mình chắc sẽ không gặp phải vấn đề này”. Tuy nhiên, đến khi thật sự bắt đầu cuộc sống du học sinh, các bạn mới nhận ra, sốc văn hóa có thể đến bất cứ lúc nào, trong bất kỳ tình huống nào và với bất kỳ ai. Có một thực tế là những bạn trẻ càng mong đợi được du học thì càng dễ bị sốc. Chuẩn bị tâm lý trước cho những cú sốc là điều nên làm, nhưng cũng đừng vì vậy mà làm mất đi sự háo hức và tâm lý sẵn sàng trải nghiệm những điều mới lạ. Trang Du học kỳ này sẽ điểm qua những cú sốc mà các du học sinh thường gặp phải trong một trường học để các du học sinh tương lai phần nào rút được kinh nghiệm cho mình.
Câu chuyện trong lớp học
Mục đích của toàn bộ việc đi du học là để… học. Vì vậy, những việc liên quan đến việc học chắc chắn rất quan trọng. Ai cũng muốn có được các điều kiện thuận lợi nhất cho việc học của mình. Tuy nhiên, việc học không chỉ phụ thuộc vào việc liệu bạn có hiểu bài trên lớp hay có chăm chỉ làm bài tập ở nhà hay không, mà còn phụ thuộc vào việc bạn thích nghi như thế nào với môi trường học.
Nói về điểm khác nhau giữa môi trường của các hệ thống giáo dục khác nhau, các du học sinh Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung hay gặp phải nhiều vấn đề khi đi du học tại các nước phương Tây. Trong khi nền giáo dục tại Việt Nam tập trung nhiều vào việc ghi nhớ kiến thức thì ở các nước phương Tây là khả năng lập luận và phản biện. Ở các lớp học tại Việt Nam, học sinh có nhiệm vụ ghi chép và tiếp nhận các kiến thức mà giáo viên đưa ra trên lớp. Còn ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở những bậc học cao như đại học, thạc sĩ…, học viên trong lớp phải chủ động thảo luận với giáo viên và các bạn cùng lớp về suy nghĩ của mình trước các vấn đề được nêu ra trong lớp. Quá trình học cũng đòi hỏi học viên tự làm nghiên cứu rất nhiều. Chính vì sự khác biệt này nên nhiều học sinh giỏi ở trong nước bị “mất phương hướng”, đặc biệt là trong các môn khoa học xã hội.
“Thụ động là một cái tội, nhưng nhiệt tình thái quá cũng lại là một cái tội” – Ngọc T. – du học sinh Mỹ chia sẻ. “Ở Việt Nam tôi luôn có tinh thần học tập cầu tiến và có tính cạnh tranh nên lúc nào cũng ở trong top 2 của lớp. Khi đi du học, tôi cũng được khuyên là khi sang đó phải năng nổ, tích cực lên và đã cố gắng hết sức để làm điều đó. Tuy nhiên, cố gắng của tôi lại mang đến tác dụng ngược. Các bạn có vẻ không thích tôi lắm và không muốn học nhóm cùng tôi. Tôi buồn và cảm thấy bối rối. Cuối cùng, sau một thời gian tìm hiểu cũng như vài lần hỏi thẳng một vài bạn, tôi mới biết hóa ra mình đã tự xây dựng một hình ảnh chăm học quá đà đến mức “phản cảm” trong mắt các bạn. Việc tôi luôn giơ tay đặt câu hỏi cho giáo viên, thậm chí chuông reo hết giờ mà vẫn hỏi làm cho các bạn cũng bị giữ ở lại. Tôi nghĩ làm như thế thì các bạn cũng sẽ được nghe câu trả lời của thầy cô, nhưng các bạn lại nghĩ tôi đang cố tình thể hiện. Rồi khi làm việc nhóm, việc tôi luôn cầu toàn và hay nghiêm trọng hóa các lỗi vô tình lại càng khoét sâu thêm định kiến của các bạn về những “con mọt sách châu Á”. Tôi sốc, vì không thể nghĩ được những cố gắng của mình vô tình lại bị hiểu theo một cách tiêu cực như vậy. Nhiều ngày sau đó tôi đi học trong tâm trạng chán chường, không còn nhiệt tình như trước nữa. Nhưng rồi tôi cũng lấy lại được cân bằng, các bạn cũng cởi mở hơn với tôi”.
Những câu chuyện ngoài giờ học
Đối với những bạn trẻ từng mơ đến những ngôi trường như trong các bộ phim với rất nhiều các hoạt động, câu lạc bộ sẽ tham gia và có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ… Sự thật đúng là các trường học ở các nước phát triển có rất nhiều câu lạc bộ ngoại khóa để sinh viên tham gia. Đây cũng là điều làm cho đời sống học đường ở các nước phát triển thú vị hơn. Tuy nhiên, không giống như các bộ phim khi bạn ngay lập tức có thể trở thành nhân vật chính của một câu lạc bộ nào đó. Những câu lạc bộ và hoạt động thực tế có thể không hào nhoáng như bạn tưởng tượng. Chưa kể, việc bỗng chốc trở thành ngôi sao và được nổi bật trong một hoạt động nào đó là điều không dễ. Minh Hoàng chia sẻ: “Khi đi du học tôi rất quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa và hy vọng sẽ có dịp tham gia vào thật nhiều hoạt động để cuộc sống học đường thêm phong phú. Tuy nhiên, khi sang đến nơi tôi mới thấy điều này không phải như mình đã tưởng tượng khi còn ở nhà. Tại Việt Nam, có bao giờ tôi tham gia hoạt động ngoại khóa nào một cách nghiêm túc đâu. Thể thao cũng chơi ít ít, âm nhạc thì dù cũng biết chơi guitar và hát hò một chút nhưng khi sang đến đây thì không dám biểu diễn luôn. Vì các hoạt động ngoại khóa trong trường học tại Việt Nam không được đề cao, chúng tôi không có nhiều cơ hội để trau dồi các kỹ năng này, kết quả là khi ra đi du học mới thấy rõ độ chênh với các bạn người bản xứ”.
Ngoài ra, giao tiếp cũng thường là thử thách với các bạn mới bắt đầu du học. Nếu như không nói đến rào cản ngôn ngữ, có 1.001 khác biệt giữa các học sinh bản xứ và các du học sinh. Ngọc Quỳnh nói thêm: “Tôi cũng không phải là người khép kín, nhưng khi đi du học vẫn gặp phải những khó khăn đáng kể khi giao tiếp. Nhiều khi tôi thấy các bạn người bản xứ thân thiện quá đến mức làm cho tôi cảm thấy sượng sùng vì “không biết nói gì”. Vì bình thường ở Việt Nam cũng vậy, tôi chỉ có nhu cầu nói chuyện thật nhiều với những người bạn thân, còn lại thì có thể xã giao lịch sự vui vẻ thôi. Còn ở đây, tôi thấy dường như việc bắt chuyện, nói chuyện với bất kỳ ai cũng quá dễ dàng và nhiều khi cũng chỉ nói những chuyện “trên trời dưới đất”, nhất là trong những buổi tiệc, những sự kiện cộng đồng. Chưa bàn đến tốt xấu, chỉ là mình không quen với cách giao tiếp kiểu này, chỉ nói một lúc là thấy câu chuyện nhạt dần và không biết tiếp tục như thế nào nữa. Dần dần tôi cảm thấy áp lực rất lớn khi phải ở giữa đám đông, đặc biệt là khi chưa có nhiều bạn thân. Tôi còn nhớ thời điểm đó tôi cứ cảm thấy lạc lõng và không thể hòa nhập được. Chưa kể cách xử sự không rào đón, thẳng thắn và rõ ràng giữa bạn bè nhiều khi cũng làm tôi thấy khó xử và không quen. Nhưng dần dần tôi cũng học cách làm quen với cách cư xử này, chỉ có những điểm khó dung hòa quá tôi mới cần phải nói thẳng với các bạn. Cũng may là các bạn cũng hiểu và thông cảm”.
Nhật Hà