Với cuộc trao giải sáng 20-9-2012 vừa qua, Giải thưởng Sách hay đã qua hai mùa tuyển chọn và vinh danh. Phải chuẩn bị gần bốn năm, Giải thưởng Sách hay mới chính thức triển khai từ năm 2011. Được điều hành bởi Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục IRED, Giải thưởng Sách hay có mục đích chọn lọc, khám phá và khẳng định những tác phẩm, công trình giá trị, quảng bá cho nó lan tỏa trong đời sống hầu góp phần khai sáng tâm hồn và trí tuệ.
Lan tỏa tri thức
“Gạn đục khơi trong” là chủ đề Giải thưởng Sách hay lần thứ nhất (2011), bao gồm bảy hạng mục: Giáo dục, Nghiên cứu, Kinh tế, Quản trị, Lẽ sống, Văn học (Tiểu thuyết), Thiếu nhi. Ngay từ đầu, quy chế của giải thưởng xác định đây là giải thưởng do độc giả và các chuyên gia phối hợp bình chọn: trên cơ sở đề nghị của bạn đọc, một danh sách của từng hạng mục sẽ được chuyển đến các hội đồng xét tuyển của từng lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực sẽ chọn ra một cuốn sách viết của tác giả Việt Nam và một cuốn sách dịch để trao giải.
Tiêu chí đặt ra đây phải là những cuốn sách hay, nghĩa là sách có giá trị về nội dung lẫn hình thức, mang khuynh hướng tiến bộ, được xuất bản hay tái bản hợp pháp trên lãnh thổ nước Việt Nam từ năm 1975 đến nay và không có tranh chấp về bản quyền. Mỗi cuốn sách đoạt giải phải được sự đồng ý của tất cả thành viên trong hội đồng xét tuyển và sự chuẩn thuận của Hội đồng trao giải gồm các vị: nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, giáo sư Chu Hảo, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Viện trưởng Viện IRED Giản Tư Trung.
Do yêu cầu cao như vậy mà năm ngoái một số hạng mục phải bỏ trống vì không đạt phiếu thuận tuyệt đối. Chẳng hạn, ở mảng sách Lẽ sống và Nghiên cứu đã không có sách viết được trao giải. Bù lại, những cuốn sách được vinh danh đều thuyết phục bạn đọc về tính khoa học hay tính nghệ thuật của nó. Bên cạnh những giá trị đã được khẳng định và thử thách, cũng có những cuốn sách được xem là phát hiện của giải thưởng, chẳng hạn Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 (2008) của Đặng Phong, Công ty: vốn, quản lý và tranh chấp của Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Đình Cung (2009). Có những cuốn sách nổi tiếng trên thế giới nhưng bản dịch chỉ mới công bố trong vòng năm năm gần đây, thì sự khẳng định cũng là hợp lẽ: Nền dân trị Mỹ của Alexis de Tocqueville (Bản dịch của Phạm Toàn, 2007), Dân chủ và giáo dục của John Dewey (Bản dịch của Phạm Anh Tuấn, 2008).
Lắng nghe hiệu ứng của giải thưởng lần thứ nhất, có thể thấy rằng nhìn chung dư luận đồng tình và ủng hộ giải thưởng và sự vinh danh này đã được cộng hưởng tích cực với đời sống tinh thần của xã hội. Bằng chứng rõ nhất là những cuốn sách ấy được tái bản ngay sau đó và được tìm đọc trên thị trường sách khá xô bồ hiện nay. Điều đó phần nào thể hiện được chủ trương của những người sáng lập Dự án Sách hay là “góp phần lan tỏa tri thức từ những cuốn sách hay, sách quý; đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân, cũng như sự phát triển chung của nền tri thức và văn hóa nước nhà”.
Khai sáng tinh thần
Bên cạnh những hưởng ứng tích cực, cũng có một số góp ý có tính phản biện mà những người tổ chức lắng nghe. Băn khoăn lớn nhất có lẽ là việc giải thưởng thiên về khẳng định những giá trị đã định hình, nói cách khác là ưu tiên cho những cuốn sách cũ đã ra đời hàng chục năm qua. Điều đó có thể giảm đi sức phát hiện của giải thưởng, khiến nó phần nào trở nên bàng quan với đời sống văn hóa đương đại.
Thật ra, có những cuốn sách tuy đã được một giải thưởng khác, nhưng tái khẳng định nó không phải là việc làm đơn giản, nhất là khi nó từng trải qua sóng gió của những luồng dư luận trái chiều. Vả chăng trong lĩnh vực văn hóa, có những giá trị ngày càng sáng lên qua sự thử thách của thời gian và vẫn phát huy tác dụng trong đời sống hiện nay.
Tuy nhiên, trân trọng những tiếng nói xây dựng, năm nay giải thưởng đã có một số điều chỉnh thích hợp. Trước hết là có sự tăng cường nhân sự cho Hội đồng trao giải (giáo sư Võ Tòng Xuân) và các hội đồng xét tuyển ở từng hạng mục. Việc đánh giá không còn đòi hỏi số phiếu thuận tuyệt đối mà căn cứ trên phiếu chấm điểm theo thang điểm 10 của từng thành viên. Đặc biệt, so với năm ngoái, năm nay không còn hạng mục sách Lẽ sống, nhưng lại tăng thêm hạng mục sách Tra cứu và nhất là giải thưởng “Dấu ấn mới” trao cho một cuốn sách có tìm tòi, đột phá và cách tiếp cận mới về một đề tài gây tranh cãi.
Việc thay đổi cách tuyển chọn với số sách nhận giải tăng lên (14 cuốn so với 11 cuốn của năm ngoái) không làm giảm đi chất lượng giải thưởng. Với chủ đề “Sách và khai minh”, giải thưởng năm nay chú ý những cuốn sách vừa có giá trị lâu dài, vừa có ý nghĩa thời sự, góp phần khai sáng tinh thần của xã hội: Bàn về tự do của John Stuart Mill (Bản dịch của Nguyễn Văn Trọng, 2008), Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): kinh nghiệm thế giới và Việt Nam (2011), Những đỉnh cao chỉ huy của Daniel Yergin và Joseph Stanislaw (Bản dịch của nhóm Phạm Quang Diệu, 2007), Kiểm soát quản trị của Bob Tricker (Bản dịch của Nguyễn Dương Hiếu và Nguyễn Thị Thu Hương, 2011). Bạn đọc quan tâm sẽ chia sẻ tinh thần vô tư và khách quan của các hội đồng xét tuyển khi họ khẳng định vị trí của những cuốn sách xứng đáng như Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang (3 tập, 1994), Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác (1998), Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam của Trần Văn Thọ (2005). Trong âm thầm, những cuốn sách đó góp phần tích cực cho sự phục hưng tinh thần dân tộc giữa thế giới đang chuyển biến hiện nay.
Tất nhiên, mọi giải thưởng, dù cẩn trọng đến đâu, cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Huống chi giải thưởng này chỉ mới tiến hành có hai năm. Giải thưởng Sách hay chắc chắn phải qua những thử thách và kinh nghiệm để thực sự hoàn thiện. Với tư cách là hoạt động dân lập, giải thưởng này cần được hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất để tiếp tục duy trì và phát triển, đáp ứng ước mong về một nền văn hóa đọc tiếp thu được tinh hoa của dân tộc và nhân loại.
- Huỳnh Như Phương