Đổng Quốc Cường, HLV đội tuyển bơi lội Người khuyết tật quốc gia dù đang ở tuổi ngoài thất thập nhưng ông vẫn kiên trì tìm kiếm những người khuyết tật đam mê bơi lội để huấn luyện họ thành vận động viên chuyên nghiệp. Kết quả thu được đúng như câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” mà ông rất tâm đắc.
Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) những năm gần đây, đoàn vận động viên khuyết tật của ông luôn giành được huy chương vàng. Đặc biệt, tại ASIAN Para Games 2014 (tại Incheon, Hàn Quốc), các học trò của ông giành tới bảy huy chương vàng, ba huy chương bạc và bốn huy chương đồng. Riêng vận động viên Võ Thanh Tùng đã giành đến năm chiếc huy chương vàng trên đường đua xanh. Nhắc đến thành tích của chàng trai Võ Thanh Tùng, HLV Đổng Quốc Cường vui vẻ ra mặt.
Ông cho biết: Trước kỳ Para Games năm nay, tôi từng kỳ vọng Võ Thanh Tùng sẽ giành được bốn huy chương vàng. Nhưng kết quả em lại đạt đến năm huy chương vàng, vượt trên cả mong đợi khiến tôi hạnh phúc vô cùng. Nhờ thành tích mà các vận động viên đạt được tại các đấu trường quốc tế mà các huấn luyện viên như tôi được “thơm lây”. Tôi khó quên được cảm giác tự hào khi lá cờ Việt Nam được kéo lên trên nền nhạc quốc ca thiêng liêng và cả đoàn thể thao người khuyết tật cùng nắm tay bên nhau trên bục nhận giải. Võ Thanh Tùng nay được gọi là “triệu phú người khuyết tật”, vì chỉ riêng “thưởng nóng” từ nhà tài trợ, em đã có hơn 100 triệu đồng. Tôi cũng đã thưởng cho cậu ấy 50 triệu đồng vì đã sống hết mình với đam mê của mình.
____
Nghe nói trước khi tham gia Para Games, ông hứa sẽ thưởng cho cậu ấy một chiếc xe máy, sao nay lại thưởng tiền?
Các em khuyết tật cần tiền để trang trải cuộc sống, cho gia đình hơn là chiếc xe máy nên tôi thưởng tiền. Để tạo động lực cho các vận động viên, tôi “treo” giải thưởng là 50 triệu đồng cho người phá kỷ lục Đông Nam Á và 100 triệu đồng cho người phá kỷ lục châu Á. Giải thưởng đầu Thanh Tùng đã nhận, giải thưởng thứ hai vẫn đang chờ chủ nhân.
____
Nhiều người lo ông sẽ “phá sản” vì học trò ngày càng giỏi và đạt được nhiều thành tích cao…
Nếu chọn con đường làm giàu, tôi không chọn làm huấn luyện viên thể thao cho người khuyết tật. Từ những ngày đầu theo đuổi nghề dạy bơi cho các vận động viên khuyết tật nghèo khó, tôi chỉ mong tạo cho họ việc làm kiếm sống và một cuộc sống dễ dàng hơn. Người khuyết tật vốn thiệt thòi từ lúc sinh ra, chỉ có người bất lương mới có ý nghĩ lợi dụng họ để tạo tiếng tăm và lợi nhuận cho mình.
Ngày trước, khi câu lạc bộ bơi lội cho người khuyết tật mới thành lập, tôi thường phải bỏ cả tiền bạc lẫn công sức để đầu tư cho lớp học này mà không mong nhận lại bất kỳ nguồn lợi nào. Đến nay, nhờ chính sách, chế độ liên quan đến người khuyết tật đã được chú trọng ít nhiều nên thầy trò tôi đã có được những nguồn chi phí nhất định. Riêng tôi quan niệm rằng cho đi tiền bạc để nhận lại nhiều yêu thương và niềm tự hào, đó là cái giá xứng đáng.
“Nếu chọn con đường làm giàu, tôi không chọn làm huấn luyện viên thể thao cho người khuyết tật.”
____
Ông đã có được sự yêu thương và kính trọng từ những ngày làm giảng viên tại Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh. Vì sao ông lại từ bỏ một công việc tốt với thu nhập ổn định, chọn một công việc vất vả hơn là huấn luyện bơi lội cho người khuyết tật?
Vì trong thời gian làm giảng viên, tôi được gặp và tiếp xúc với nhiều trường hợp các em khuyết tật rất đáng thương. Các em phải tự mưu sinh hằng ngày một cách vất vả mà còn phải chịu sự hắt hủi, trách móc từ gia đình. Tôi có sự đồng cảm với những đứa trẻ đói ăn và nhiều mặc cảm vì tôi cũng từng sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó. Nay làm thầy của các em học trò nghèo, lúc nào tôi cũng muốn đưa các em thoát nghèo.
Thanh Tùng là một trong những hoàn cảnh đáng thương như vậy. Em bị liệt hai chân từ lúc nhỏ. Lớn lên, Tùng học nghề sửa chữa điện thoại di động để kiếm sống. Sau đó, cùng với sự tư vấn của tôi, Tùng đã bỏ nghề để sống hoàn toàn với niềm đam mê bơi lội, đó là một quyết định lớn và không được nhiều người ủng hộ. Thật may, em là một “kình ngư” thực sự trên đường đua xanh, lại chăm chỉ và khá thông minh. Trong thể thao, nếu muốn thắng thì không chỉ dùng sức mà còn phải có sự tính toán linh hoạt, không nhiều vận động viên khuyết tật làm được như Tùng.
____
Vì những người có hoàn cảnh và niềm đam mê như Thanh Tùng nên ông đã quyết tâm thành lập Câu lạc bộ bơi lội cho người khuyết tật vào năm 2003?
Đúng vậy. Người khuyết tật thường có sức khỏe kém, lại ít có điều kiện được học hành đầy đủ nên ít người có công việc và thu nhập ổn định. Từ các tỉnh xa, họ kéo về TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh bằng nghề bán vé số, hàng rong, ca hát dạo… Qua tiếp xúc với người khuyết tật, tôi thường nghe họ kể về niềm đam mê với một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó. Xa hơn, họ luôn muốn được cống hiến cho xã hội và được gia đình, cộng đồng công nhận.Nhưng thực tế đáng buồn là hiện nay, người khuyết tật chưa có nhiều điều kiện để khẳng định năng lực của mình. Phần lớn doanh nghiệp còn chưa mặn mà với việc tuyển dụng người lao động khuyết tật, còn phân biệt đối xử giữa người khuyết tật với người bình thường. Ngay cả trong từng gia đình, người khuyết tật cũng phải chịu những ánh mắt ghẻ lạnh, trách móc của người thân.
- Xem thêm: Trần Mạnh Huy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần VBPO: Tôi muốn góp phần xây dựng một xã hội tử tế
Thể thao không chỉ dành cho những người lành lặn và người khuyết tật không khuyết tài. Tài năng của người khuyết tật cần có một sân chơi để được thể hiện nên tôi luôn muốn thực hiện ngay một “đường đua xanh” để các em có cơ hội bộc lộ tài năng của mình. Tôi còn nhớ, lần thi đấu đầu tiên tại Para Games 2003 ở Hà Nội, đoàn vận động viên khuyết tật chúng tôi đã giành được hai huy chương vàng. Khi ấy, tôi biết con đường mình đang đi sẽ thành công. Những học trò đang gọi tôi là cha sẽ khẳng định tài năng của mình tại các đấu trường quốc tế trong nay mai, tôi đã có niềm tin mãnh liệt như vậy từ cách đây hơn mười năm.
____
Dạy bơi cho người khuyết tật để họ giành huy chương vàng ở các đấu trường quốc tế, câu chuyện không hề đơn giản. Ông đã thực hiện điều này như thế nào?
Tôi dạy học trò bằng tình yêu thương, họ đáp lại bằng sự kính trọng và luyện tập chăm chỉ. Cứ thế, chúng tôi cố gắng từng ngày để cùng vươn đến đỉnh cao. Thật may mắn khi đoàn chúng tôi có được sự hỗ trợ hết mình từ Ban lãnh đạo Trung tâm TDTT quận Tân Bình. Ngay sau khi ra đời năm 2003, Câu lạc bộ bơi lội cho người khuyết tật Tân Bình đã có khá đông người trên địa bàn tham gia. Tại đây, các học viên khuyết tật được tập bơi miễn phí và cuối tuần có thêm cơ hội sinh hoạt cùng nhau.
Những người bị teo cơ, cụt chân, khiếm thị đều có thể bơi được, chỉ cần họ đam mê và đủ sức khỏe. Khi đi trên đường, tôi hay quan sát những người bán vé số ngồi xe lăn, nhìn kỹ từng động tác, cử chỉ và cơ bắp của họ. Thấy người nào “hợp nhãn”, tôi lân la đến mua vé số vài ba lần, rồi gợi chuyện, mời tham gia đội tuyển. Có đến một phần ba số người tôi lựa chọn không thể theo học thành vận động viên. Dễ thấy rằng người bình thường tập bơi đã khó, người khuyết tật tập bơi còn khó gấp nhiều lần, mất nhiều thời gian và công sức. Giai đoạn đầu chỉ có mình tôi phụ trách câu lạc bộ. Các giáo viên khác trong trung tâm hầu như phải tập trung toàn bộ thời gian để lo cho cuộc sống riêng, họ chưa đủ kiên nhẫn để xuống nước huấn luyện từng động tác cho các em khuyết tật. Tôi là một huấn luyện viên có cuộc sống tương đối ổn định nên mới có thể tập trung đầu tư cho thể thao người khuyết tật.
“Tôi dạy học trò bằng tình yêu thương, họ đáp lại bằng sự kính trọng và luyện tập chăm chỉ. Cứ thế, chúng tôi cố gắng từng ngày để cùng vươn đến đỉnh cao.”
____
Yếu tố quan trọng trong việc huấn luyện cho các vận động viên khuyết tật đến thành công như hôm nay là gì, phải chăng là lòng yêu thương đơn thuần?
Thể hiện sự yêu thương như cha mẹ với các em là một yếu tố quan trọng nhưng một yếu tố khác cũng quan trọng không kém là dùng tiền để tạo động lực cho các em. Nghe có vẻ “phi giáo dục” nhưng đó là một cách đào tạo hiệu quả cho những em vốn quen với hoàn cảnh khó khăn từ nhỏ. Các em hay mặc cảm vì cho rằng mình là người vô dụng. Tôi thường nói với học trò: “Các con tàn chứ không phế, nếu có thể kiếm tiền để không phải sống phụ thuộc vào gia đình, thậm chí còn hỗ trợ được cho cha mẹ thì chúng ta sẽ luôn được tôn trọng”. Đó là một động lực vô cùng mạnh mẽ và thực tế.
Đến thời điểm hiện tại, không ít học trò của tôi trở thành trụ cột gia đình sau khi thi đấu thành công, tiền thưởng cả trăm triệu đồng. Nhiều người mua nhà, sửa nhà, mua xe máy, mua ruộng cho bố mẹ, trang trải tiền ăn học cho các em… Như trường hợp em Võ Thanh Tùng, nghe nói em đang dùng một phần tiền để xây nhà cho gia đình, thật vui!
Đôi khi, tôi thấy mình không chỉ là người thầy mà còn là người cha của học trò. Chúng tôn trọng mình như cha chú nên tôi thấy mình có trách nhiệm với chúng như một bậc sinh thành. Vì vậy, không chỉ dạy chúng bơi lội, tôi còn dạy chúng cách cư xử, tư duy và khó nhất là cách tiêu tiền. Với những đứa trẻ nghèo khó quanh năm, bỗng nhiên có một khoản tiền lớn, chúng thường có xu hướng vung tay quá trán. Người khuyết tật vốn thiếu thốn tình thương trong gia đình nên hay bị người ngoài lợi dụng. Tôi thường tìm cách can ngăn trước khi các em bị lợi dụng cả tiền bạc lẫn tình cảm, nhất là các em khuyết tật nữ. Bài học quan trọng mà tôi dạy các em hằng ngày là bài học về quản lý tiền bạc. Qua đó, các em biết cách cân nhắc phần tiền nào mình có thể tiêu xài, phần tiền nào mình phải mang về cho gia đình.
- Xem thêm: Cho đi thật sự mang lại hạnh phúc
Ngoài ra, tôi còn tìm cách se duyên cho những cặp đôi khuyết tật để các em có cơ hội xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nếu tôi không chủ động “ghép đôi” cho học trò, các em rất khó tự tìm đến nhau do mặc cảm. Đến nay, tôi đã làm “ông tơ” se duyên cho 10 cặp đôi người khuyết tật rồi đấy!
____
Dân gian cho rằng “làm mai” là một trong bốn “cái ngu” ở đời, ông thì tỏ ra khá vui vẻ với “nghề” này…
Với tôi, làm mai “mát tay” như thời gian qua hoàn toàn không “ngu” mà ngược lại, đó là một may mắn lớn. Học trò xem tôi như người cha, người chú, mới tin tưởng nhờ tôi chuyện vợ chồng trăm năm. Chúng sống với nhau hạnh phúc khiến tôi cũng cảm thấy vui lây.
Tôi vẫn không quên được đám cưới đầu tiên mình tác thành giữa hai học trò Trần Đắc Thắng và Lê Thị Hiền vào năm 2004. Hôn lễ của đôi bạn trẻ được tổ chức ở nhà thờ Xóm Chiếu, quận 4. Đồng đội ở đội tuyển bơi khuyết tật quốc gia, ở CLB bơi khuyết tật TDTT quận Tân Bình chứng kiến hôn lễ, không một ai cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc. Mới đây, tôi đã làm mai cho một đôi vợ chồng mà cả hai người chỉ có năm chi lành lặn. Hai số phận qua lời mai mối của tôi, đã run rủi hòa vào nhau, gắn kết trong một mái ấm gia đình.
Cũng có lần tôi mai mối thành công một cô gái trẻ tật nguyền với một chàng trai khỏe mạnh. Như lần se duyên cho vận động viên Nguyễn Thị Minh Lý và cậu trợ lý Nguyễn Hoàng Anh. Gia đình Hoàng Anh đã phản đối mạnh mẽ khi hay tin cậu con trai cao to khỏe mạnh, lại là con một lại đi yêu một cô gái khuyết tật. Nhờ sự trợ giúp đắc lực của tôi, đôi bạn trẻ này đã nên duyên vợ chồng và sống rất hạnh phúc cùng hai thiên thần nhỏ tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Cứ đến ngày mùng Một tết hằng năm, các gia đình học trò do tôi mai mối lại hẹn nhau kéo đến nhà tôi rất đông để chúc tết. Những đứa trẻ đáng yêu gọi tôi là ông nội, ông ngoại, đòi tiền lì xì rộn ràng khắp ngõ. Đó là một niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.
“Những ai trực tiếp tham gia vào lĩnh vực thể thao cho người khuyết tật sẽ nhận thấy đây là lĩnh vực giàu tính thẩm mỹ và hấp dẫn hơn nhiều môn thể thao khác.”
____
Vợ ông có bao giờ tỏ ra không hài lòng khi thấy ông thương người khuyết tật như thương con, chăm lo cho họ hơn cả bản thân mình?
Vợ tôi hay trách đùa rằng tôi xem người khuyết tật còn hơn vợ con, nhưng bà ấy lại thật sự là hậu phương vững chắc sau lưng tôi. Bà ấy đã quyết tâm cùng tôi theo đuổi con đường huấn luyện bơi lội cho người khuyết tật ngay từ những ngày còn trẻ. Có giai đoạn, bà ấy còn năng nổ hơn tôi, sẵn sàng thưởng lớn cho học trò giỏi. Đến giờ bà vẫn luôn là cánh tay đắc lực của tôi trong việc chăm lo cho đoàn vận động viên khuyết tật những lần đi thi đấu trong và ngoài nước.
____
Ở tuổi thất thập xưa nay hiếm, ông vẫn chưa có ý định “nhường” công việc vất vả này cho các huấn luyện viên trẻ sao?
Tôi cảm nhận cơ thể mình nay giống như một chiếc xe máy cũ, các bộ phận chỉ chờ dịp long ra. Nhưng tôi vẫn đang là niềm mong đợi của nhiều lớp học trò khuyết tật, đâu dễ dứt bỏ công việc để tìm về cuộc sống vui thú điền viên. Hơn nữa, thật sự tôi vẫn chưa muốn rời xa công việc đã quen mấy chục năm nay, vì việc luyện tập thể thao cho tôi sức khỏe, luyện tập đầu óc cho tôi sự minh mẫn, còn tình yêu của bọn học trò cho tôi niềm tươi trẻ mỗi ngày.
Những ai trực tiếp tham gia vào lĩnh vực thể thao cho người khuyết tật sẽ nhận thấy đây là lĩnh vực giàu tính thẩm mỹ và hấp dẫn hơn nhiều môn thể thao khác. Vì trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị lớn lao của con người, ý chí, về tình thương và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Và một khi đã tham gia như tôi, người huấn luyện viên sẽ khó lòng dứt ra được.
____
Hơn mười năm đồng hành cùng với bơi lội của người khuyết tật, giúp họ giành được nhiều huy chương vàng quốc tế, hẳn ông đã hoàn toàn hài lòng với công việc của mình?
Thầy trò tôi đã tạm hài lòng với những thành tích đã đạt được nhưng vẫn chưa nguôi khát khao một tấm huy chương ở đấu trường Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics. Đoàn vận động viên khuyết tật Việt Nam đã ba lần tham dự Paralympics nhưng vẫn chưa có ai được đứng trên bục nhận huy chương. Cách đây hai năm, tôi đã mắc sai lầm ở London 2012 khi trước thềm Paralympics vẫn cho học trò tập với cường độ cao. Khi vào thi đấu, do phải tập nặng trước đó nên vận động viên không có được sự hưng phấn cao và thể lực tốt nhất. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang cật lực luyện tập để sẵn sàng cho Paralympics sắp tới ở Rio, Brazil vào năm 2016. Tôi “treo” giải thưởng 100 triệu đồng cho vận động viên phá kỷ lục tại giải đấu này. Học trò giành được huy chương tại giải đấu này thì tôi mới thật sự mãn nguyện với khoảng thời gian đầu tư đã qua.
____
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện. Chúc thầy trò ông thành công ở Paralympics 2016 tại Brazil sắp tới.