Gần tròn 30 năm mở cửa hội nhập, mỹ thuật Việt Nam đã và đang tiếp cận, giao lưu, tiếp thu nhiều di sản, nhiều tinh hoa văn hóa của thế giới. Mỹ thuật ứng dụng lẽ ra ngày càng phát triển phong phú hơn nhưng thực tế, người làm trong lĩnh vực này lại gặp nhiều lúng túng trong đề tài và cách thể hiện còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các luồng văn hóa ngoại lai. Nhiều sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hiện đang sử dụng hình ảnh từ các điển tích Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… các vật thờ truyền thống đã bị thay thế bởi đồ mỹ nghệ ngoại nhập, các sản phẩm phục vụ du lịch chưa thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc.
Để đánh thức ý thức về bản sắc dân tộc trong sáng tác mỹ thuật ứng dụng, một triển lãm mang tên “Bản sắc Việt” được tổ chức vào cuối tháng 10 tại TP. Hồ Chí Minh, trưng bày các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mang hồn Việt như: gốm Bát Tràng, tượng danh nhân lịch sử, tranh khắc gỗ màu, sản phẩm gốm, bài trang trí họa tiết cổ, các bộ sưu tập trang phục truyền thống, các mẫu lịch thuần Việt… Trong khuôn khổ của triển lãm, hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” cũng được tổ chức vào chiều 28-10 tại Trường ĐH Văn Lang. Các khách mời đã khá nhiệt tình đưa ra ý kiến của mình nhằm thảo luận những vấn đề mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam, đưa ra định hướng, giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiến tới thực hiện tốt các sản phẩm thiết kế, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
TS Cung Dương Hằng, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh:
Hiện tượng đề cao mỹ thuật tạo hình và tầm thường hóa mỹ thuật ứng dụng phản ánh nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm mỹ thuật ứng dụng của nhiều họa sĩ do nhiều nguyên nhân như: không được đào tạo đúng hướng, tầm nhìn hạn hẹp, thiếu thông tin, chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của mỹ thuật ứng dụng trong đời sống xã hội, trong sản xuất kinh doanh ở Việt Nam và trên thế giới.
Thực trạng đào tạo hiện nay khá ngổn ngang, mạnh ai nấy làm. Có trường còn “sáng tạo” ra những môn học chiều theo thị hiếu người tiêu dùng như chép tranh, học nhái manga, hoạt hình Nhật Bản… Về chương trình học, có nơi tự lược bỏ những môn học cơ bản, cơ sở tạo hình, biến đào tạo thành chiến lược kinh tế bất chấp mọi kiến thức đầu vào, đầu ra, không quan tâm đến trình độ người dạy và cả môi trường của người học. Thậm chí có thầy học mỹ thuật tạo hình, chưa một ngày học mỹ thuật công nghiệp, vẫn dạy mỹ thuật công nghiệp, truyền bá quan điểm mỹ thuật tạo hình vào đây. Có nhà trường coi ngành mỹ thuật công nghiệp chỉ là hình thức. Họ cho rằng đào tạo mỹ thuật công nghiệp là tốn kém và không có lãi như các ngành khác, nên không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Lớp học nhồi nhét sinh viên nhằm giảm chi phí cho đội ngũ giáo viên. Sinh viên tăng nhưng lượng lấn át chất!
ThS Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh:
Bản sắc dân tộc trong người nghệ sĩ không phải sinh ra đã có, mà nó được hình thành từ trong quá trình học tập, nghiên cứu, quá trình sống và sáng tạo. Giáo dục những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, hiểu sâu sắc vốn quý di sản văn hóa dân tộc và giáo dục thẩm mỹ hợp lý là những yếu tố tạo nên tính dân tộc của chủ thể sáng tạo nghệ thuật. Cần phải có giải pháp trong việc học và dạy môn lịch sử để những giá trị truyền thống như tinh thần yêu nước nồng nàn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, lòng nhân ái khoan dung, tinh thần cần cù lao động, sống giản dị… được các thế hệ hiểu một cách sâu sắc.
Trước khi vào các trường cao đẳng, đại học mỹ thuật, các sinh viên đều được giáo dục thẩm mỹ một cách hợp lý. Hiện nay chúng ta có nhiều trung tâm đào tạo nghệ sĩ nhưng chương trình giảng dạy, trình độ của giáo viên và chất lượng đào tạo ở một số nơi vẫn còn những vấn đề bất cập. Phần đông sinh viên chưa hiểu biết một cách sâu sắc về những giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc. Thiết nghĩ rằng, trong chương trình giảng dạy nên đi vào phân tích kỹ những nét riêng, độc đáo về nội dung, hình thức của di sản văn hóa nghệ thuật và có thể thực hành để nắm thật rõ những yếu tố tạo nên bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó cũng cần giáo dục về ý thức tôn trọng bản quyền để hạn chế nạn sao chép tràn lan trong một thời gian dài. Vì chỉ khi người nghệ sĩ tôn trọng bản quyền, coi trọng yếu tố gốc thì mới có sáng tạo. Khi không sao chép thì mới tạo nên cái riêng của cá nhân và bản sắc dân tộc trong sản phẩm của mình.
Họa sĩ thiết kế Nguyễn Trọng Thái:
Dưới góc độ mỹ thuật ứng dụng, phải thừa nhận một cách thẳng thắn là có quá ít điểm sáng để tự hào về những thiết kế mang dấu ấn Việt. Hiện trạng này không chỉ bởi trình độ xã hội và điều kiện kinh tế khó khăn làm cho các nhà thiết kế ít có cơ hội để tạo ra những cái mới, và đâu đó đang tồn tại sự thụ động hoặc bỏ mặc việc nghiên cứu, tìm kiếm ý tưởng và làm mới những hình tượng lẫn chất liệu trong cuộc sống đời thường.
Điều quan trọng là cần trang bị cho các nhà thiết kế một “phông” văn hóa vững vàng và phong phú. Phải được tiếp cận với thật nhiều nền văn hóa khác nhau thì mới biết chọn lọc ra được những chất liệu tốt nhất, toát lên bản sắc của mình. Du học nước ngoài và các hình thức liên kết đào tạo, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt nghề nghiệp… là những điều nên thực hiện càng nhiều càng tốt. Thay vì vẫn áp dụng phương pháp truyền đạt một khối lượng kiến thức giống nhau theo hình thức “phổ cập giáo dục”, có lẽ chúng ta chỉ nên chú trọng hướng dẫn kỹ năng chuyên môn đồng thời kiến tạo không khí dân chủ, tranh luận sôi nổi, cho phép mỗi người được tự do áp dụng kỹ năng ấy theo thế mạnh của mình, kết quảắt sẽ khác hẳn nhau và qua đó, việc đánh giá, định hướng nghề nghiệp và tài năng sở trường sẽ dễ dàng bộc lộ.
Từ góc độ quản lý xã hội, một sự hậu thuẫn thiết thực và chia sẻ trách nhiệm với những ai đang dành nhiều tâm huyết cho mục tiêu đưa bản sắc dân tộc vào thiết kế sẽ là nền tảng vững chắc hứa hẹn những thành công.
TS Khảo cổ học Phạm Hữu Công, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố:
Mỹ thuật ứng dụng là một bộ môn sáng tạo từng chi tiết nhỏ cho đến tổng thể để làm nên bức tranh muôn màu của thế giới hàng hóa và thế giới quảng cáo, tuy nhiên không thể sáng tạo mà không có nền tảng. Nền tảng là nắm chắc bản sắc Việt với mỹ thuật cổ và mỹ thuật thế giới cộng với sự thông hiểu kỹ thuật mới. Vấn đề của các trường mỹ thuật là thiếu giảng viên chuyên ngành mỹ thuật cổ, thiếu giáo trình về mỹ thuật cổ Việt Nam, các môn về mỹ thuật cổ chưa có thời lượng tương xứng nên hầu như kiến thức về vấn đề này ít được sinh viên nắm chắc. Khi ra trường làm công việc thiết kế, họ hầu như không kết hợp vốn mỹ thuật cổ với công việc thiết kế logo, bao bì, thương hiệu.
Chương trình đào tạo sinh viên bộ môn mỹ thuật ứng dụng của các trường mỹ thuật Việt Nam chính là tạo nên nền tảng đó với giáo trình quan tâm hơn đến mỹ thuật Văn Lang – Đông Sơn và mỹ thuật Đại Việt – Đại Nam, góp phần hình thành nền văn hóa – mỹ thuật Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vừa đậm đà bản sắc Việt, vừa mang dấu ấn thời đại toàn cầu hóa.
Họa sĩ Vũ Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Thiết kế mẫu và Sáng tạo mỹ thuật Việt Nam:
Có lẽ trong một vài năm tới, thị trường sẽ ít hào hứng với các sản phẩm mang đặc tính truyền thống hoặc văn hóa của một vùng miền, mà sẽ theo xu hướng chấp nhận các sản phẩm mang phong cách đương đại. Ví như ở Mỹ hiện nay, các nhà dẫn dắt thị trường, đã định hướng cho người tiêu dùng Mỹ đi theo phong cách đương đại giản đơn. Ở châu Âu, các nhà bán lẻ thường ưa kinh doanh các sản phẩm có hình khối đơn giản, đường nét tinh tế với màu sắc trung tính, xu thế này tồn tại ở châu Âu trước khi lan rộng sang châu Mỹ.
Nhu cầu đối với sản phẩm mang tính đương đại gia tăng không có nghĩa là các sản phẩm mang tính bản sắc văn hóa dân tộc sẽ biến mất. Nó luôn tồn tại, đặc biệt là khi nó kết hợp được cả hai yếu tố văn hóa đặc trưng vùng miền với thiết kế mang phong cách đương đại. Điều đó sẽ tạo nên dòng sản phẩm mới thuận lợi trong việc xâm nhập thị trường, nâng giá trị sản phẩm lên hàng cao cấp, thu về lợi nhuận cao.
Những cuộc thi thiết kế tạo mẫu sản phẩm mới là rất cần thiết nhằm chọn ra những thiết kế tốt, những nhà thiết kế tâm huyết có năng lực và trình độ thực sự bổ sung vào đội ngũ chuyên nghiệp trở thành những chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng cho các loại sản phẩm, hướng dẫn cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng hiểu biết về Luật sản phẩm an toàn, Luật tiêu chuẩn hóa công nghiệp, Luật tỷ giá và thương mại quốc tế, Luật bảo tồn các loại nguyên liệu quý hiếm, Luật sở hữu trí tuệ… Có như vậy các sản phẩm truyền thống đậm đà bản sắc Việt và phong cách đương đại của chúng ta mới chiếm lĩnh được thị phần lớn trong môi trường toàn cầu.
- Thanh Nhã