Báo cáo khái quát về hoạt động tín dụng do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố ngày 30-10, cho thấy diễn biến tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2012 đến nay không có nhiều thuận lợi. Đến nay, qua ba quý đầu năm 2014, tính đến hết tháng 9, tín dụng tăng 7,26%, dù vẫn còn thấp song khoảng cách đến mục tiêu 12 – 14% đã được rút ngắn…
Theo BIDV, nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp trước hết là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Điều này xuất phát từ cầu yếu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm. Cụ thể, tính đến tháng 9-2014, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến ở mức 11,6%, tăng nhanh hơn mức 9,3% cùng kỳ 2013, trong khi tốc độ tiêu thụ lại chỉ tăng 8,9% cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn cho sản phẩm đầu ra.
Trong khi đó, tiêu dùng và sản xuất phục hồi chậm, thể hiện ở tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng năm 2014 là 12%, trong khi cùng kỳ năm 2013 là 12,5%, là mức tăng chậm nhất trong vòng năm năm gần đây. Như vậy, theo BIDV, tổng cầu mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn thấp, thể hiện rõ ở việc lạm phát cơ bản thấp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp lại càng trở nên thận trọng trong việc vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Sự khó khăn của doanh nghiệp thể hiện qua số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Cụ thể số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong chín tháng đầu năm vẫn tăng 13,8% so cùng kỳ 2013.
Đáng chú ý, BIDV cho biết, theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2014, có tới 50,5% doanh nghiệp không muốn vay vốn từ ngân hàng do không có nhu cầu, không đủ tài sản thế chấp hoặc doanh nghiệp có thể vay từ nguồn vốn khác…
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng thấp cũng có nguyên nhân do thị trường bất động sản phục hồi chậm. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực này hiện nay còn nhiều bất cập do nhiều ngân hàng vẫn cẩn trọng…
Nguyễn Thắng