“Rainbow rice” là cách gọi của du khách nước ngoài cho món xôi nhiều màu của dân tộc Tày ở Sa Pa, còn du khách trong nước biết nó với tên gọi “xôi ngũ sắc” bởi có năm màu khác nhau: trắng, đỏ, vàng, xanh, tím, tượng trưng cho ngũ hành – trắng là Kim, xanh là Mộc, tím (thay cho đen) là Thủy, đỏ là Hỏa và vàng là Thổ. Có thể nấu – đúng ra là đồ hay hong – xôi với từng loại màu riêng, sau đó xếp chung vào đĩa, cũng có thể trộn lẫn chúng để có một đĩa xôi nhiều màu đẹp mắt. Nơi thường bán xôi ngũ sắc là phố Cầu Mây và chợ Sa Pa.
Thật ra, xôi ngũ sắc không chỉ là món ăn quen thuộc của người Tày ở Sa Pa hay Tuyên Quang, Thái Nguyên mà một số dân tộc thiểu số khác ở vùng cao Tây Bắc cũng có đặc sản này, như người Cao Lan ở Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, nhất là người Thái ở Mường Lò (Yên Bái). Vào mùa lễ hội của người Thái ở Mường Lò, bao giờ cũng có cuộc thi nấu xôi ngũ sắc dành cho các cô thiếu nữ chưa chồng. Nồi xôi thơm ngon phải được nấu bằng nếp Tú Lệ nổi tiếng và tuân thủ một quy trình từ khâu chọn lá rừng hay các loại thực vật để nhuộm màu hạt nếp cho đến công đoạn đồ xôi.
Màu đỏ thì dùng quả gấc hay lá cơm đỏ; màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi; màu vàng dùng nghệ già giã lấy nước; màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau. Nếp Tú Lệ được ngâm với các loại nước màu khoảng 10 tiếng rồi để ráo nước mới đổ trong chõ làm bằng thân cây cọ hay thân một loại gỗ thơm, bên dưới là nồi nước được nấu bằng than. Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc có thể trình bày nhiều hình thức khác nhau, hoặc trộn các màu nếp lại như kiểu người Tày ở Sa Pa làm và được du khách nước ngoài gọi là “xôi cầu vồng” với năm màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng thật đẹp mắt, lại ăn rất ngon và thơm.
Đăng Nguyên