Đầu tuần qua, gã khổng lồ của ngành hàng không châu Âu là Airbus Group công bố đã nhận được tổng cộng 791 đơn đặt hàng máy bay trong chín tháng đầu năm 2014. Với số liệu này, Airbus đã phải xếp sau đối thủ nặng ký đến từ nước Mỹ – Boeing. Bởi trong cùng giai đoạn đó, Tập đoàn Boeing thông báo nhận được 1.000 đơn đặt hàng và đã giao được 528 chiếc so với 443 chiếc của Airbus. Theo Airbus, tháng 9 vừa qua có ý nghĩa rất lớn khi họ đã chuyển đổi thành công bản hợp đồng mua hàng mẫu tám chiếc thân dài A30-200 với Tập đoàn British AIG Airlines trở thành hợp đồng dài hạn. Trong phân khúc máy bay hạng trung, Airbus cũng đã chuyển đổi hợp đồng mua hàng mẫu 27 chiếc A320 với hãng bay giá rẻ hàng đầu châu Âu là easyJet trở thành hợp đồng dài hạn. Hấu hết những đơn đặt hàng của Airbus trong chín tháng đầu năm nay đều là những mẫu phi cơ hạng trung tiết kiệm năng lượng, bao gồm 512 đơn đặt hàng cho A320neo và 146 đơn đặt hàng cho A321neo – cũng là máy bay lớn nhất của Airbus trong phân hạng một hàng ghế ngồi. Tuy nhiên, điểm yếu của Airbus chính là mẫu siêu cơ Airbus A380 khi họ đặt ra chỉ tiêu bán được 30 máy bay loại này nhưng chỉ bán được 14 chiếc, do Skymark của Nhật Bản hủy hợp đồng mua sáu chiếc A380. Đến nay, siêu cơ A380 được xem là mẫu máy bay dân dụng lớn nhất thế giới khi chuyên chở được hơn 600 hành khách và tính đến tháng 9 năm nay, Airbus đã bán được tổng cộng 318 chiếc. Hiện tại, Qatar Airlines cũng đang mua A380 để thử nghiệm trước khi chính thức đặt hàng dài hạn. Suốt nhiều năm qua Airbus không ngừng thuyết phục các hãng bay về lợi ích của kích thước siêu lớn A380 có thể mang đến, nhưng phần lớn các hãng hàng không đều xem đó là một thách thức không nhỏ khi xét đến việc tiết kiệm nhiên liệu và khả năng sử dụng toàn bộ số ghế trên mỗi chuyến bay.
Mặt khác, Airbus cũng đang chờ đợi sự góp mặt của A350 khi mới đây đã nhận được giấy phép vận hành của chính quyền châu Âu. Được thiết kế với mục đích bắt kịp thị trường máy bay thân dài và tiết kiệm nhiên liệu vốn được Boeing thống lĩnh suốt nhiều năm qua, A350-900 tận dụng triệt để kim loại composite dạng nhỏ để tiết kiệm nhiên liệu tiêu thụ và nhiều chi phí vận hành khác. Nhà sản xuất máy bay châu Âu định vị A350 là một đối thủ lớn của cả hai mẫu bay nổi tiếng của Boeing (Boeing 777 và Dreamliner 787) với hy vọng sẽ chiếm thị phần của cả hai. Trong tháng 9 qua, Airbus dự báo rằng ngành hàng không dân dụng quốc tế sẽ gia tăng với tỷ lệ 4,7% mỗi năm từ đây đến năm 2033, tạo ra nhu cầu sử dụng thêm 31.400 máy bay mới với tổng giá trị lên tới 4.600 tỉ USD. Các thị trường đang phát triển, nhất là khu vực châu Á, sẽ trở thành trọng tâm chính của tăng trưởng hàng không.
B. Trịnh theo AFP