Vào ngày 19 và 20-8, vở diễn Out of Context: For Pina của đoàn múa đương đại Les Ballets C de la B đến từ Bỉ đã được công diễn tại Nhà hát Lớp TP.HCM. Out of Context: For Pina là một vở múa đương đại nổi tiếng thế giới, đã được trình diễn tại nhiều nước như Nhật, Mỹ, Anh, Úc… Trong hai đêm diễn ở Việt Nam, khán phòng Nhà hát Lớn TP.HCM lúc nào cũng chật kín.
Out of Context: For Pina là vở diễn được dàn dựng bởi Alain Platel – người sáng lập Les Ballets C de la B từ năm 1984. Platel dàn dựng vở diễn này để tưởng nhớ biên đạo Pina Bausch – một người bạn của ông đã ra đi vào năm 2009. Cảm hứng cho Out of Context: For Pina đến với Platel từ các rối loạn vận động của cơ thể, các chuyển động không kiểm soát được như nghiến răng, chau mày, lè lưỡi, co giật các cơ trên cơ thể, mất thăng bằng… Nhưng đồng thời, thử thách mà Platel đặt ra cho mình chính là làm sao có thể cân bằng giữa những chuyển động không kiểm soát với những chuẩn mực dàn dựng của việc biên đạo: Làm sao để thể hiện cái vô thức trong sự ý thức và kiểm soát chặt chẽ của người biểu diễn. Đây là một thử thách thú vị với cả Platel lẫn các nghệ sĩ múa của Les Ballets C de la B.
Mở đầu vở diễn, các nghệ sĩ từ từ tiến lên từ hàng ghế khán giả, trông không khác một người bất kỳ nào đó trong đám đông. Các nghệ sĩ dần dần trút bỏ những bộ quần áo bên ngoài, chỉ chừa lại những bộ đồ lót trông cũng hết sức bình thường. Lúc này, có vẻ như sân khấu đã biến thành chốn riêng tư nơi họ có thể sống thật với con người và những cảm xúc nguyên sơ của mình. Lúc này, họ lần lượt khoác lên mình những tấm vải. Như một chiếc kén an toàn ấm áp, những tấm vải này chính là lớp màng cuối cùng che đậy cho họ trước thế giới bên ngoài. Và những động tác thật sự chỉ được lộ ra khi tấm choàng này được trút xuống. Đó là những động tác đứt quãng, co giật có phần yếu đuối và bất lực mà bất kỳ người bình thường nào cũng không muốn lộ ra cho người khác thấy. Nhưng trên sân khấu Out of Context: For Pina, những con người này không hề có áp lực sống theo bất cứ yêu cầu, áp lực nào của xã hội hay của những người xung quanh. Họ cứ tần ngần, bàng quang tận hưởng cái giật cục trong mạch cảm xúc, cái lóng ngóng không thể kiểm soát nổi của bản thân. Họ không luống cuống tìm cách lấy lại kiểm soát, mà từ từ chờ đợi xem những phần cơ thể bất trị có thể dẫn mình đến đâu.
Ngoài những tiếng huỳnh huỵch của cơ thể đập trên nền sàn sân khấu. Âm thanh chủ đạo còn lại là những tiếng kêu không rõ lời, không rõ chủ đích. Lúc thì cùng cục trong cổ họng không thoát ra được, có lúc thì kêu âm thanh như những con thú hoang, rồi có lúc hơi thở được ép ra từ cơ bụng, bật lên thành những tiếng thét, tiếng gào dài không kiểm soát. Trên sân khấu biểu diễn, những chiếc micro thông thường vốn được nâng niu, nếu không được cầm trên tay thì sẽ được cài vào một chiếc chân đứng. Nhưng trên sân khấu này, những chiếc micro được quăng quật, lê la không thương tiếc, và nhiều lúc những tiếng ồn micro này lại là những âm thanh chủ đạo duy nhất trên sân khấu.
Vở diễn đến hồi cao trào khi các vũ công nhảy múa theo một đoạn beat được sequence (lặp lại) liên tục, mà trên đó các vũ công thay phiên nhau hát những câu hát quen thuộc rời rạc. Các câu hát này đều là những câu hook từ các bài hát nổi tiếng, nên có vẻ đều được bật ra một cách tự phát và cao hứng không cần suy nghĩ trước. Kết thúc vở diễn, Platel dành ra một khoảng lặng để tưởng nhớ Pina với bài hát Nothing Compares to You. Các nghệ sĩ dần dần mặc lại quần áo và hòa mình vào đám đông.
Dù chứa đựng nhiều sự đứt quãng và co giật về mạch cảm xúc, Out of Context: For Pina không thể hiện bất cứ sự day dứt, đau đớn nào. Những nhân vật của vở múa không điên, cũng không bị ruồng bỏ. Trên sân khấu họ đứng cùng nhau, họ có nhau nhưng mỗi cá nhân đều tự giữ cho mình một sự độc lập và tự chủ nhất định. Họ không cần phải nương tựa, dựa dẫm vào nhau mà chỉ đơn giản là tương tác và giao tiếp với nhau. Những nhân vậy trong Out of Context: For Pina, họ bối rối nhưng không lo lắng, họ bình tĩnh trong cái mất kiểm soát của bản thân, họ bừa bộn một cách có trật tự, và họ nổi loạn trong cái kiểm soát chặt chẽ của lý trí.
Nhật Hà
Ảnh Phúc Hải