Vũ Thị Phương Anh bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc, năm 36 tuổi. Đến nay, bà đã làm việc trong ngành giáo dục 28 năm và hiện là giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù đứng trong hệ thống giáo dục nhưng người phụ nữ này được biết đến như một tiếng nói phản biện khá bền bỉ chung quanh những bất cập của ngành này. Đằng sau những góp ý thẳng thắn là một tấm lòng dành cho giáo dục. Phải hiểu, phải tha thiết với ngành giáo dục nhiều lắm thì người phụ nữ này mới mạnh dạn nói lời ngỏ với vị tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Nếu có cơ hội nói, tôi khuyên bộ trưởng tập trung làm đến nơi đến chốn những việc đúng quy luật mà Bộ đang làm, như tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, và đừng đưa ra thêm những sáng kiến mới, từ trường chuyên, cho đến những chỉ tiêu phi thực tế”.
Cuộc trò chuyện diễn giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều trung tuần tháng 8, ít giờ sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields ở Ấn Độ.
____
Chính phủ vừa quyết định đầu tư 651 tỉ đồng cho Chương trình trọng điểm phát triển toán học trong quốc gia. Bà đón nhận thông tin này như thế nào?
Hình như thế giới cũng tin rằng người Việt Nam giỏi toán. Biết đâu toán học là thành tựu khoa học hiếm hoi mà nước ta có thể có được. Thêm nữa, toán học chủ yếu là dùng tư duy, không đòi hỏi cơ sở vật chất quá hiện đại hoặc cũng có thể vì đầu tư cho toán học mang lại hiệu quả cao hơn các ngành khoa học cơ bản khác. Một dấu hỏi mà tôi đặt ra là chúng ta sẽ sử dụng những tiến sĩ toán này như thế nào? Với chế độ lương bổng như hiện nay thì khó mà giữ chân được họ. Hay đào tạo xong rồi chúng ta sẽ xuất khẩu những tiến sĩ toán chăng? Điều này tôi nói nghiêm chỉnh chứ không đùa, vì tôi tin là thế giới cần. Nhưng lưu ý rằng họ chỉ cần những nhà toán học giỏi thực sự. Còn xã hội ta thì lại chưa sử dụng được những nhà toán học xuất chúng.
____
Phải chăng vì chúng ta chưa có môi trường khoa học thuần khiết?
Trong tiếng Anh có một câu nói rất hay mà người ta hay dùng khi hỏi về nguyên nhân của một thành tựu nào đó, rằng “Is it because of system, or is it in spite of the system?”. Câu này có nghĩa phải chăng thành tựu ấy là do hệ thống tạo ra, hay nó được tạo ra bất chấp hệ thống? “Hệ thống” được hiểu là môi trường chung quanh, gồm nhiều yếu tố như thể chế, văn hóa, xã hội… mà chúng ta thường gọi là “cơ chế”. Môi trường khoa học thuần khiết là có, nhưng hình như không do cơ chế tạo ra, mà hình thành từ những cộng đồng nhỏ hoặc nỗ lực của những cá nhân.
____
Bà là giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng. Thực chất, kiểm định chất lượng giáo dục là gì?
Kiểm định chất lượng giáo dục là cơ chế giám sát của hệ thống chuyên nghiệp. Ở các nước tiên tiến, cơ chế giám sát đối với chất lượng giáo dục gồm ba tầng. Thứ nhất là Nhà nước, giám sát bằng quy định và tiến hành hậu kiểm. Hệ thống thứ hai là người tiêu dùng, người thể hiện sự giám sát của mình thông qua quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ giáo dục mà mình thấy là phù hợp. Và thứ ba là hệ thống kiểm định của các tổ chức xã hội nghề nghiệp lập ra, trong trường hợp này là cơ quan thuộc hiệp hội các trường đại học, và hoạt động độc lập với Nhà nước.
Công tác kiểm định giáo dục ở Việt Nam ra đời cách nay khoảng 10 năm, xuất phát từ một giải pháp có tính “kỹ trị” (technocracy). Những người có trách nhiệm cho rằng một trong những yếu tố khiến giáo dục Hoa Kỳ thành công là nhờ hệ thống giám sát “ba tầng”. Nhìn lại mình, người ta thấy rằng chúng ta đang thiếu loại tổ chức này. Thiếu thì bổ sung. Tuy nhiên, người ta quên rằng “tầng thứ ba” ở Mỹ là tư nhân, hoạt động độc lập, và chỉ có thể phát huy trên cơ sở một nền giáo dục theo cơ chế thị trường. Còn ở ta, từ lúc ra đời cho đến nay nó vẫn do Nhà nước quản lý.
Tôi nghĩ chúng ta chưa đủ điều kiện để một tổ chức kiểm định tư nhân theo mô hình của Mỹ ra đời. Bởi nếu ngay lúc này mở cửa cho tư nhân tham gia kiểm định mà chưa có một cơ chế thị trường lành mạnh và đúng nghĩa (người tiêu dùng giáo dục được tự do lựa chọn, và nhà nước có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng một cách hữu hiệu) thì rất dễ đẻ ra một hệ thống kiểm định sân sau của bộ chủ quản, dẫn đến khả năng xảy ra tham nhũng.
____
Theo bà, tình trạng tham nhũng trong giáo dục hiện nay đang ở mức nào?
Nếu áp dụng quan điểm của thế giới để đánh giá thì tôi nghĩ tham nhũng trong ngành giáo dục là rất nghiêm trọng, vì nó đã lan đến cấp thấp nhất là giáo viên đứng lớp.. “Tham nhũng” ở đây được định nghĩa là “lạm dụng quyền hạn, vị trí công tác nhằm mục đích tư lợi”. Với định nghĩa này, rất nhiều việc ta đang xem là bình thường như đem học sinh về nhà để dạy thêm cũng là tham nhũng. Tất nhiên, lương trả thấp mà buộc giáo viên phải làm rất nhiều việc, trong đó có cả những phong trào khá vô bổ, thì chuyện “tham nhũng” đó là khó tránh khỏi.
____
Lương cho giáo viên đã trở thành câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Chúng ta là nước nghèo. Vậy thì tại sao Nhà nước lại muốn bao thầu ngành giáo dục? Hãy mở cửa cho tư nhân làm. Tư nhân biết những gia đình nào sẵn sàng đóng học phí 5 triệu đồng/tháng và những gia đình nào không đủ khả năng đóng học phí. Giáo dục công nên tập trung chăm sóc cho hai đối tượng là những tài năng đặc biệt và đối tượng nghèo, không đủ điều kiện đi học, còn lại để xã hội tự điều tiết. Có thể nhiều người không đồng tình nhưng tôi cho rằng nên dỡ trần học phí. Tuy nhiên, những trường muốn nâng học phí phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện đi kèm, được công khai, minh bạch.
Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt nhúng tay vào quản lý giáo dục càng tốt. Ví dụ, Bộ Giáo dục của liên bang ở Mỹ chỉ làm một việc là xét cấp tiền hoặc cho vay tiền đối với người học đại học. Nhưng để vay được tiền thì người học phải chọn học ở những trường đã chứng minh được việc đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng, nhằm đảm bảo cả chất lượng lẫn khả năng hoàn trả khi người học tốt nghiệp ra trường. Các tiêu chuẩn chất lượng này được quy định bởi chính các trường, bởi các hội nghề nghiệp, và sự thừa nhận của thị trường. Tất cả đều minh bạch và các đối tượng liên quan tự giám sát lẫn nhau. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết.
Nhà nước càng bớt nhúng tay vào quản lý giáo dục càng tốt.
____
Trở lại với câu chuyện về kiểm định chất lượng giáo dục.Nhìn lại công tác này trong 10 năm qua, bà thấy sao?
Trong năm năm đầu, giai đoạn 2001-2005, chúng ta chưa biết kiểm định là cái gì, nên phải mướn chuyên gia nước ngoài, khá tốn kém. Kinh phí triển khai dự án này là tiền vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Kết quả đánh giá 20 trường đại học đầu tiên có nhiều tranh cãi nên không được công bố ngay, khiến niềm tin của xã hội bị giảm sút. Tôi có tham gia chương trình này ngay từ giai đoạn đầu tiên. Sau đó, dự án tiếp tục triển khai đánh giá thêm vài chục trường nữa, nhưng dường như cho đến nay kết quả cũng chưa được công bố rõ ràng. Tôi cho rằng tất cả những tranh cãi hoặc sơ sót vừa qua là tất yếu và cần thiết. Dường như chúng ta quá nóng vội, nên có những đòi hỏi thiếu tính khả thi khiến rất dễ thất vọng. Tôi cho rằng lợi ích của khoảng thời gian 10 năm qua là giúp cho một số người hiểu được kiểm định là gì, thông qua những bài học thực tế, thậm chí đôi khi là những bài học xương máu.
____
Vậy thì mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục là gì?
Kiểm định chất lượng giáo dục là sản phẩm của Mỹ, được xem là một phần của xã hội dân sự. Thành ra, sẽ là khiên cưỡng nếu chúng ta cố gắng áp đặt mô hình này tại Việt Nam ngay lúc này mà không tính đến các điều kiện bên ngoài để thực hiện nó. Theo tôi, áp dụng mô hình kiểm định này trong cải cách giáo dục đại học có được một cái lợi hiển nhiên là dễ thuyết phục được World Bank cho vay tiền.Tôi không thích lắm các dự án giáo dục triển khai bằng tiền vay của các tổ chức thế giới vì nhiều khi chủ nợ không quan tâm con nợ sẽ sử dụng khoản vay như thế nào, hiệu quả ra sao, mà chỉ muốn thực hiện mọi việc theo quan điểm và lợi ích riêng của mình.
Nói về ngành giáo dục thì tôi nghĩ hiện nay ta đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng khi nói về nền giáo dục, thì tôi nghĩ rằng nước ta vẫn khá. Tuy nhiên, nếu ngành giáo dục không thay đổi, thì nền giáo dục của ta sẽ ngày càng tệ. Giáo dục nước ta đào tạo cử nhân vẫn còn ở mức khá, nhưng bắt đầu hỏng từ khi chuyển sang đào tạo sau đại học một cách khá liều lĩnh, tức là duy ý chí thực hiện những việc ngoài tầm tay của mình. Đào tạo sau đại học cần phải rất bài bản, vì phần lớn những người được đào tạo sau đại học sẽ đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức cho các thế hệ sau.
____
Không lẽ bỏ đào tạo sau đại học?
Không bỏ. Nhưng nhu cầu xã hội về đào tạo sau đại học không đến mức phải làm ồ ạt như hiện nay. Chúng ta đã có quá nhiều ví dụ về việc tạo ra những nhu cầu giả trong giáo dục. Ví dụ, có một dạo để cứu tiếng Nga vốn không có nhiều người học, có những trường đã đưa ra quy định sinh viên phải học tiếng Nga như một ngoại ngữ bắt buộc. Như vậy, để bảo vệ lợi ích của một nhóm nhỏ, người ta đã bắt sinh viên phải học những điều mình không thích, xã hội không cần.
____
Theo bà, nhu cầu xã hội bây giờ là…
Hồi còn nhỏ, gia đình tôi rất nghèo. Chúng tôi phải dọn nhà liên tục, dời từ Phan Thiết vào đến Sài Gòn. Cha mẹ tôi khá kỹ tính, nhưng ban đầu cũng phải chấp nhận ở những khu vực đông dân lao động, nhập cư, gần chợ để tiện buôn bán. Đương nhiên, an ninh ở đó cũng rất phức tạp. Giáo dục cũng vậy thôi. Ý tôi muốn nói chúng ta không thể có ngay mọi thứ cùng một lúc, mà phải ưu tiên từng giai đoạn. Hiện nay chúng ta gần như không có đầu tư cho khu vực dạy nghề. Úc là nước phát triển nhưng họ vẫn tập trung cho mảng đào tạo này. Sau hai năm học là có thể đi làm liền. Đồng thời, họ tạo điều kiện để những người tốt nghiệp trường nghề có điều kiện học liên thông lên đại học. Giáo dục chúng ta đang đi rất sai, khi phát triển đại học một ồ ạt mà bỏ quên khu vực đào tạo nghề. Nên biết lượng sức mình, tầm nhìn vừa tầm tay của mình.
Nói tiếp câu chuyện ngoại ngữ bắt buộc ở đại học. Sau một thời gian cầm cự, tiếng Nga rồi cũng “chết”. Những gì không phục vụ lợi ích của đông đảo quần chúng thì sớm hay muộn cũng bị đào thải. Đấy là chuyện xưa. Còn chuyện nay là lối tư duy chỉ tiêu mà tôi rất sợ. Những chỉ tiêu phi thực tế áp đặt từ trên xuống, và việc thực hiện bằng được các chỉ tiêu này được sử dụng để đánh giá năng lực cán bộ. Chính sự phi thực tế đó khiến người ta buộc phải nói dối, làm dối. Hiện nay, các trường đại học phải tuân thủ theo một bộ tiêu chuẩn chất lượng duy nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có một số tiêu chí về nghiên cứu khoa học. Các trường công sử dụng tiền ngân sách nên nghiên cứu khoa học có sử dụng được hay không cũng chẳng sao. Còn các trường tư, mặc dù không hứng thú, thậm chí khó chịu, nhưng vẫn phải làm nghiên cứu khoa học để được đánh giá là đạt chuẩn. Vì mục đích đối phó nên những nghiên cứu khoa học làm xong cũng xếp vào hộc tủ, lãng phí tiền của và thời gian vô ích.
____
Một chiếc áo tiêu chuẩn vừa vặn cho những đối tượng khác nhau là sự khiên cưỡng?
Nhìn ra thế giới, các nước đều có những bộ tiêu chuẩn khác nhau cho các loại trường khác nhau. Những đối tượng giống nhau, chẳng hạn như khối trường tư, sẽ ngồi lại và đưa ra một bộ tiêu chuẩn phù hợp nhất. Hiện nay, Việt Nam có hai hiệp hội các trường đại học. Bên cạnh “hội cha”, gồm tất cả các trường đại học trên cả nước thì còn có “hội con”, gồm các trường đại học tư. Tôi có lần trao đổi với GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội đại học ngoài công lập rằng “hiệp hội của thầy có thể là nơi đầu tiên nên đòi quyền xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng”.
____
Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra ngao ngán về tương lai không mấy sáng sủa của giáo dục Việt Nam. Còn bà thì sao?
Khi chất lượng đào tạo thấp mà vẫn chiêu sinh được thì các trường sẽ không thay đổi. Khối công và khối tư hiện nay đều như vậy. Đối với ngành giáo dục, tôi không tin vào việc họ “tự” thay đổi, mà phải “bị” thay đổi do sức ép cạnh tranh. Tôi đặt hy vọng vào khối các trường đại học tư. Nói như vậy không có nghĩa rằng tôi đánh giá cao các trường tư hiện nay, mà bởi khu vực đại học tư là nơi đang bị giám sát bởi thị trường nhiều nhất. Giáo dục đại học thực chất là dịch vụ, dù là dịch vụ đặc biệt đi chăng nữa. Giáo dục Mỹ thành công là vì họ nhận ra điều này từ rất sớm. Thực tế là khối trường công lập ở Việt Nam hiện nay bắt đầu bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hệ thống trường ngoài công lập. Một trong những dấu hiệu rõ nhất là nhiều giảng viên giỏi có tên ở trường công, kể cả những trường thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhưng phần lớn thời gian lại giảng dạy lại ở trường tư… Sự bật lên của trường tư sẽ buộc trường công phải chạy theo.
____
Bà phê phán ngành giáo dục ở nhiều mặt. Tại sao bà không thoát ra khỏi hệ thống này cho thảnh thơi?
Tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng rời hệ thồng bất kỳ lúc nào nếu không thể làm được những điều mình tin là đúng. Thực tế, tôi cũng đã nhiều lần xin từ chức.
____
Nhưng rồi bà vẫn được giữ lại?
Có thể vì người ta thừa nhận điều mình nói là đúng. Mà cũng có thể vì không có nhiều người giống như tôi lại chấp nhận làm việc với mức lương hàng tháng năm, bảy triệu đồng trong khu vực nhà nước như thế này. Thực ra, tôi có thể kiếm tiền một cách khá dễ dàng ở bên ngoài. Nhưng kiếm tiền dễ tôi không thích. Tôi mong được làm đúng giá trị của mình và được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Với tôi, phần thưởng vật chất không phải là chính yếu.
____
Vì kinh tế gia đình bà vững vàng?
Không phải. Tôi quen với lối sống đạm bạc thời từ thơ ấu. Năm 1996, sau khi học ở Úc về, với số tiền dành dụm từ số tiền học bổng ít ỏi, tôi mới mua được nhà riêng. Nhu cầu của tôi rất ít. Mặc ít. Ăn ít. Thế nên, tôi chỉ làm những gì mình tin là đúng. Tôi đã từng nhận được những lời mời làm việc có thù lao gấp mười lần khoản lương hằng tháng ở Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhưng rồi vẫn quyết định ở lại. Tôi ở trong hệ thống nên tôi có thể thay đổi được nó ít nhiều. Tôi đang cố làm mọi việc theo cách của tôi.
____
Bà có thể nói rõ hơn…
Cách không phải của tôi là ngồi chờ chỉ đạo và làm theo những mệnh lệnh, hoặc tìm cách rút tỉa ngân sách. Cách dễ nhất là không làm gì cả, tới tháng lãnh lương. Còn cách của tôi là luôn đưa ra những lời cảnh báo, những điều có khi cấp trên có thể không thích nghe.
____
Có khi nào ý kiến tham mưu của bà không được lắng nghe?
Có.
____
Bà có nản không?
Tôi quen rồi. Những gì không nói ra được thì tôi đưa lên blog. Tôi biết nhiều người ở cơ quan, kể cả các sếp của tôi, vẫn thường xuyên đọc blog của tôi. Đó là nơi để mình nói, bày tỏ quan điểm, hay nói cách khác là tạo ra một xã hội dân sự.
Điều đau đớn nhất với những người làm khoa học là cảm giác mình bị phí hoài.
____
Có nói ra hết những điều bà suy nghĩ?
Tôi biết tự kiểm duyệt mình. Tôi nghĩ mình là một công dân tốt. Một người được giáo dục cẩn thận trước hết là biết tôn trọng pháp luật. Những chỗ pháp luật chưa hợp lý thì mình góp ý, xây dựng cho tốt hơn. Còn việc những ý kiến của mình có được lắng nghe hay không lại là một câu chuyện khác.
Ở trong hệ thống có cái lợi là được cập nhật thông tin thường xuyên, nhưng đồng thời có những vấn đề mình không thể nói ra hết. Năm nay tôi bước sang tuổi 50, cũng có thể nghỉ hưu được rồi nhưng tôi sẽ làm hết nhiệm kỳ vào năm 2012. Trong khi các nhà khoa học trên thế giới được tạo điều kiện để thể hiện chính kiến thì tôi phải bỏ thời gian, công sức riêng để nghiên cứu và gián tiếp bày tỏ quan điểm với lãnh đạo của mình. Nếu không, người ta sẽ đưa ra những quyết sách không đúng và bắt tôi phải làm theo. Càng ngày thì có vẻ như những điều tôi nói được lắng nghe nhiều hơn. Tôi thấy Nhà nước mình rất phí phạm chuyên gia trong nước. Không phải tất cả chuyên gia nước ngoài đều giỏi, thậm chí có những vấn đề họ không thể rành rẽ bằng chuyên gia trong nước. Nhiều khi tôi có cảm giác là không có yếu tố “nước ngoài” thì không thiêng. Điều đau đớn nhất với những người làm khoa học là cảm giác mình bị phí hoài. Có một thời kỳ dài, mỗi năm Úc cho Việt Nam 150 suất học bổng. Những người sau khi học xong ở lại cũng nhiều, nhưng số lượng những người về nước cũng không ít. Nhưng bây giờ những người đó đang ở đâu? Họ đi làm cho các công ty nước ngoài không hoàn toàn vì thu nhập, mà bởi vì ở đó tài năng của người ta được trân trọng.
____
Tại sao bà không ở lại Úc như những người khác?
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, tôi được đề nghị ở lại làm chương trình hậu tiến sĩ (postdoc). Lúc đó Úc đang có chương trình khuyến khích nhập cư “chất xám”. Bạn bè dẫn tôi đến cơ quan nhập cư, tôi hỏi tất cả thủ tục xong rồi… thôi. Tôi quyết định về vì muốn gần chồng con. Đơn giản có vậy thôi.
____
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.