Anh có thể lên kế hoạch đến chi tiết cho “Sáu mươi năm cuộc đời”, mà cũng sẵn sàng bỏ cả ngày lang thang khắp các tiệm đồ cũ, tán chuyện với các anh xe ôm hay các chị bán hàng rong. Anh có thể viết ra một danh sách dài vô tận những điều “Tôi yêu Việt Nam” và một danh sách khác những điều châm chọc kiểu như “Người Việt xấu xí”.
Anh có tinh thần phản biện và cải cách của một trí thức, đồng thời cũng sở hữu luôn phẩm chất hồn nhiên và “thẳng ruột ngựa” của một anh chàng miền Tây mê cháo cá lóc và Honda 67. Sau sáu năm làm việc ở Việt Nam, Drew tự nhận mình đã bị “khai trừ” khỏi các hội dành cho người nước ngoài vì anh có quá nhiều bạn bè… người Việt. Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần có dịp hội ngộ và trò chuyện với anh nhân chuyến đi công tác của anh đến San Francisco, California (Mỹ) vừa qua.
____
Nếu đã lên kế hoạch chi tiết cho “Sáu mươi năm cuộc đời” thì sao anh không sống ở Việt Nam luôn cho rồi?
Tôi sẽ ở Việt Nam đến 60 tuổi thôi, sau đó sẽ về lại Canada và chết ở Canada. Ít ra như vậy mới công bằng cho Canada vì cả hai đều là quê hương của tôi. Canada là nơi tôi sinh ra thì sẽ là nơi tôi nằm xuống. Còn khoảng giữa tôi dành cho Việt Nam.
____
Nghe giống cuộc đời cá hồi nhỉ! Cá hồi sinh ra ở sông, vùng vẫy cuộc đời ở biển, cuối đời lại làm một cuộc lội ngược dòng về sông để chết. Mà này, anh có thấy là anh tính hơi xa quá không?
Tôi là một người suy nghĩ nhiều. Không có một giây phút nào mà cái đầu tôi dừng suy nghĩ. Tôi còn tính đến việc khi chết, tôi sẽ được thiêu và người ta muốn quăng tro đi đâu cũng được. Tro không còn là tôi. Mà tôi cũng chẳng phải là nắm tro ấy, nên người ta muốn quăng đi đâu thì quăng, cho vào thùng rác cũng chẳng sao. Thẳng thắn mà nói thì trên đời này không thiếu những kẻ mà khi sống bản thân họ đã là cái thùng rác rồi.
____
Vâng, thực là có những cái thùng rác di động, biết làm đỏm và đầy ứ vì thừa mứa… Nhưng anh nên cho cái đầu anh nghỉ ngơi một chút. Suy nghĩ nhiều thế cũng là một dạng bệnh đấy!
Cũng tùy vào người chẩn bệnh, nhưng mọi thứ tôi nghĩ, tôi làm, tôi đều biết chính xác đó là tôi. Nếu đó có là vấn đề đi nữa thì tôi không đi tìm câu trả lời, mà tìm những cách thức khác nhau để đến với câu trả lời. Giống như để hiểu Việt Nam, người ta phải học nói tiếng Việt.
____
Anh học tiếng Việt thế nào, thấy có khó không?
Không, dễ lắm! Trước khi đi ngủ, uống một chai Sài Gòn đỏ. Cứ làm như thế, sau hai tuần, thì ngủ dậy sẽ biết nói tiếng Việt.
____
Anh nói xạo hay nhỉ!
Vậy mà nhiều người tin lắm đấy! Đùa chứ, tôi từng dành một tháng đi học ở lớp trong trường đại học nhưng không thích lớp đó vì tất cả sinh viên trong lớp đều là người nước ngoài. Tôi nghĩ không có gì bất tiện hơn là học tiếng Việt với người nước ngoài. Thế là tôi tìm gia sư. May mắn cho tôi là gia sư của tôi lại không thạo tiếng Anh. Bởi vậy việc học tiếng Việt của tôi càng thú vị hơn bao giờ hết! Tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với mọi người, chị bán hàng ở chợ, bác xe ôm… Tôi tập nói mọi nơi mọi lúc và không bận tâm nhiều đến ngữ pháp. Có khi tôi gặp những tình huống làm tôi bối rối.
____
Ví dụ như…
Ở Hà Nội, người ta nói chuyện rất trang trọng. khác hẳn với ở miền Nam. Người Hà Nội họ sửa tôi mọi thứ. Ví dụ như khi tôi nói: “Cho một ly sinh tố!”.
Người ta hỏi lại: “Một ly là gì?”.
Tôi nói: “Một ly sinh tố mà!”.
Họ nói: “Không phải, một cốc!”.
Tôi nói: “Biết rồi! Một cốc!”.
Họ lại sửa: “Không phải, biết “z”ồi mới đúng!”.
Khi tôi nói: “Xin lỗi tôi đến trễ”.
Người ta lại sửa: “Không phải “đến trễ”, đến muộn!”.
Khi tôi nói: “Vâng ạ”, người ta sửa là: “Không, phải nói là “Thế ạ”!”.
Người Sài Gòn không quan tâm đến những thứ đó vì văn hóa ở Sài Gòn quá đa dạng! Người Sài Gòn không bao giờ nói Sài Gòn là nhất. Nhưng đa số người thuộc lớp trung niên trở lên ở Hà Nội luôn nghĩ Hà Nội là nơi tuyệt vời nhất trên thế giới. Thậm chí nếu một ngày nào đó Sài Gòn biến mất trên thế gian này thì chắc cũng có vài người chẳng bận tâm.
____
Anh tưởng tượng thôi chứ chẳng đến nỗi như vậy đâu! Mà điều gì cho anh ý nghĩ đó?
Thói quen và đam mê của tôi là tìm hiểu con người bằng cách tương tác với họ, quan sát phản ứng của họ thông qua cảm xúc, ngôn ngữ của họ. Tôi không phải là một chuyên gia tâm lý, nhưng tôi rất thích khoa tâm lý học. Trước chuyến đi công tác Mỹ, có một anh phóng viên đến nói chuyện với tôi. Anh ta muốn biết tôi hiểu gì về miền Bắc và miền Nam khi viết những bài báo như tôi đã viết. Rồi anh ấy hỏi liệu tôi có lo rằng người ta đọc được sẽ tức giận hay không. Tôi nói rằng tại sao tôi phải lo? Nếu lo thì tôi đã không viết những bài báo đó. Tôi đi và sống ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam và tôi đại diện cho tất cả những gì thuộc về văn hóa Việt Nam. Anh phóng viên nọ muốn tôi thay đổi, muốn tôi biết Hà Nội tuyệt vời thế nào và viết những điều tuyệt vời về Hà Nội. Vấn đề là tôi thích Việt Nam chứ không cảm tình riêng một thành phố nào. Tôi không hiểu tại sao có những người chỉ luôn muốn nghĩ rằng mình đúng.
____
Anh hoài nghi về sự pha trộn văn hóa trong xã hội Mỹ và Canada. Nhưng không phải chính sự đa dạng văn hóa ở Sài Gòn tạo ra một sự thông cảm lớn cho những người đến với nó, trong đó có anh, đấy sao?
Đúng là tồn tại những nhóm văn hóa nhỏ trong lòng Sài Gòn, nhưng tất cả vẫn là Việt Nam, vẫn chung một ngôn ngữ, chung một đất nước. Còn ở Canada hay Mỹ, hầu hết mọi dòng văn hóa du nhập vào đều phải chảy theo dòng văn hóa chung của Canada hay Mỹ. Người của các dân tộc khác khi nhập vào dòng văn hóa lớn này không sớm thì muộn cũng đều bị “nuốt chửng” bởi “văn hóa nước lớn”. Và những người mới đến luôn được giáo dục để nghĩ về “nước lớn” trước khi nghĩ về quê hương gốc gác của mình. Ở Sài Gòn thì khác. Nếu muốn sống ở đây, người ta chỉ việc ngậm miệng lại, làm việc cho thật chăm chỉ và sống tự nhiên mà không phải nghe bất kỳ một lời rao giảng nào.
Đúng là tồn tại những nhóm văn hóa nhỏ trong lòng Sài Gòn, nhưng tất cả vẫn là Việt Nam, vẫn chung một ngôn ngữ, chung một đất nước.
____
Tạm gọi anh là người Việt gốc Canada nhé! Thế có bao giờ anh cảm thấy bị cô lập trên quê hương thứ hai của mình?
Tôi cảm nhận không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn. Có lẽ vì thành phố này cho tôi nhiều không gian để “thâm nhập” Việt Nam theo cách riêng của mình. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn không hiểu tại sao nhiều chính sách đưa ra lại nhằm tách biệt người nước ngoài ra khỏi sinh hoạt bình thường của xã hội. Mọi vấn đề liên quan đến người nước ngoài đều gặp nhiều khó khăn trở ngại hơn, từ nhu cầu cư trú, di chuyển, đến nhu cầu làm việc, từ giấy phép cư trú, giấy phép lái xe, đến giấy phép lao động… Nếu tôi là chính quyền, tôi sẽ rất vui mừng và làm mọi thứ để ngày càng có nhiều người nước ngoài hiểu Việt Nam hơn. Tôi sẽ yêu cầu tất cả người nước ngoài phải học một ít tiếng Việt trước khi đến Việt Nam. Tôi sẽ yêu cầu giải tán những nơi tụ tập dành riêng cho người nước ngoài như khu Phạm Ngũ Lão (quận 1), tôi sẽ khuyến khích người dân lập thêm chợ thay vì cho nhiều tập đoàn xây siêu thị. Mà không chỉ người nước ngoài cảm thấy xa lạ với văn hóa sinh hoạt truyền thống của người Việt mà cả những thế hệ sau cũng đang bị “xa lạ hóa” với những gì cha mẹ ông bà họ đã sống hàng đời nay, là chợ, là xích lô, là xe ba gác… Những chính sách nhằm quản lý người nước ngoài hiện nay tạo ra một rào cản rất lớn cho những người thật sự muốn hiểu về đất nước và con người Việt Nam.
____
Vậy nếu có điều gì để than phiền về Việt Nam thì chắc đó là chính sách với người nước ngoài?
Tôi không thích cách làm việc của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam. Đó là lời nhận xét không có động cơ chính trị gì đâu nhé! Tôi chỉ nói điều gì tai tôi nghe, mắt tôi thấy qua thực tế cuộc sống, qua thông tin và các cuộc tranh luận trên báo chí. Ai cũng thấy rằng những cơ quan nhà nước ở Việt Nam có quyền rất lớn, họ có thể làm nhiều thứ mà không phải chịu trách nhiệm về hậu quả gì cả. Thực ra tôi không nên than phiền vì chuyện này chẳng ảnh hưởng gì đến tôi cả. Tôi sống theo luật và vẫn có rất nhiều tự do. Tôi chỉ tiếc là không đến Việt Nam sớm hơn! Người Việt thích sự vui vẻ. Họ chẳng cần giấu giếm gì cả. Đi nhiều nơi, tôi chưa thấy người dân ở đâu vui vẻ như ở đây. Ra ngoài đường, nhiều khi thấy hai anh xe ôm ngồi nói chuyện với nhau hồn nhiên như trẻ con. Ở Canada, người ta than phiền mọi thứ vì hình như đời sống quá tốt nên họ hết chuyện để mà than rồi. Khác hẳn với người Việt, trong quá khứ đã không than thì bây giờ cũng vậy. Càng sống ở Việt Nam, càng trở thành người Việt Nam, tôi cảm thấy mình càng biết xem nhẹ mọi chuyện.
____
Một nhà văn Hy Lạp từng nói đại ý là phần lớn thiên hạ đều đang mơ ngủ, một số ít người tỉnh táo thì bị cho là điên. Ở Việt Nam thì hình như phần lớn những người nhắm mắt vờ mơ ngủ lại là những người tỉnh táo nhất. Anh có thấy nghịch lý đó không?
Người Việt ở trong nước tự hào nhiều thứ về Việt Nam, trong khi nhiều việc chính quyền thực thi lại đang làm mất đi niềm tự hào đó. Lý lẽ này tôi cũng đã nói trên báo rồi. Nếu chẳng đúng như thế thì tại sao đi đâu cũng thấy những gì liên quan đến nhà nước đều kém chất lượng, nào là công trình xây dựng, sửa đường, mất điện, hàng hóa, lao động nhập từ Trung Quốc… Có những khu nghỉ mát ở Đà Nẵng do Trung Quốc đầu tư, nhân công lao động là người Trung Quốc, thức ăn cho công nhân mua từ chợ của người Trung Quốc bán, trong khi người lao động ở Việt Nam đang rất cần việc làm. Việt Nam xuất khẩu dầu mỏ, nhưng lại nhập xăng dầu với giá cao. Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng người dân lại ăn gạo nhập của Campuchia, của Thái, và nói thật thì đâu phải người dân nào cũng được ăn gạo mới… Việt Nam đang mất đi nhiều thứ tốt đẹp mà chính người trong nước đang cần và thậm chí có tiền cũng không mua được. Đó là những bài học về sự đánh đổi mà tôi thấy cứ lặp đi lặp lại.
Ở Canada cũng vậy. Canada cho ngư dân Mỹ vào biển Canada đánh cá… để rồi ngư dân Canada điêu đứng vì biển không còn cá. Điện của California là từ quận British Columbia ở Canada cung cấp, thế mà miền Tây Canada đôi khi phải chịu cảnh chập chờn vì thiếu điện. Hơn 10 năm nay Canada là nguồn cung cấp khí tự nhiên (natural gas) lớn nhất cho Mỹ, cho Mỹ xây dựng nhà máy lọc dầu… Đó là những đánh đổi rất lớn!
____
Với tư cách “một nửa của tôi là người Việt” và là cha của một đứa con trai có dòng máu Việt, anh lo gì về tương lai của thế hệ trẻ?
Đó là sự đánh mất giá trị văn hóa trong nhận thức của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ lớn lên đang mất đi cơ hội được thấy thế nào là Việt Nam, mất đi cơ hội sống trong văn hóa Việt Nam, thứ văn hóa mà ông bà cha mẹ nhiều đời trước nó đã sống. Chẳng hạn họ đã và đang mất dần hình ảnh chiếc xích lô, ba gác, những gánh hàng rong, những người bán dạo tảo tần, thức khuya dậy sớm và tiếng rao không bao giờ tắt trong những con hẻm, mất đi cơ hội được chứng kiến sự sinh động tươi vui của chợ. Trẻ con bây giờ hiếm mà thấy cảnh xách giỏ theo bà theo mẹ ra chợ, nhìn thấy mẹ thấy bà chọn thức ăn ngon, học những bài học đầu tiên và cơ bản về giá trị của lao động…
Bởi vậy tôi sưu tầm những gì là Việt Nam để sau này tôi cho con trai tôi thấy Việt Nam đã từng như thế nào.
Thế hệ trẻ lớn lên đang mất đi cơ hội được thấy thế nào là Việt Nam, mất đi cơ hội sống trong văn hóa Việt Nam, thứ văn hóa mà ông bà cha mẹ nhiều đời trước nó đã sống.
____
Hình xăm trên tay anh có thuộc về bộ sưu tập những gì thuộc về Việt Nam không?
Bộ sưu tập của tôi là mấy chục cái máy ảnh cũ và gần một chục chiếc Vespa, Mobylette, Honda 67. Còn hình xăm này tôi có mười chín năm nay rồi. Đó là hình một con rồng. Có một triết lý thế này. Có ba loài trên trái đất là rồng, sư tử và người. Rồng tượng trưng cho thế giới vật chất, sư tử tượng trưng cho thế giới tình cảm và con người làm chủ cả hai thế giới đó. Tôi yêu quý đồ vật, bao nhiêu tiền cũng tiêu vào việc thâu lượm đồ vật từ đời này sang đời khác. Tôi chẳng bận tâm đến việc làm giàu, nhưng thực sự tôi là con người của thế giới vật chất theo nghĩa của một người sưu tập. Đôi khi tôi thấy mình giống người miền Tây Nam bộ, chẳng cần biết tương lai ra sao, miễn là mình vui vẻ rồi thì chuyện gì cũng sẽ ổn. Tôi muốn con trai tôi biết nó là người Việt trước khi là người Canada và nó không có gì đặc biệt hơn người khác cả. Nhiều người hỏi tại sao tôi không về Canada mà sống vì ở đó nào là môi trường sạch đẹp, an toàn, tại sao tôi không muốn gửi con vào trường quốc tế?
____
Họ nói cũng có lý đấy chứ. Vậy câu trả lời của anh là sao?
Tôi hỏi lại: “Tại sao lại tách con mình ra khỏi cái chung của xã hội và làm nó cảm thấy nó đặc biệt hơn, quan trọng hơn những đứa trẻ khác?”. Mình ở đây thì mình tưởng nơi này nơi kia hay hơn đẹp hơn nơi mình đang ở. Lúc nào cũng vậy, người ta dễ nghĩ rằng cái người khác có hay hơn cái mình đang có. Nhưng đó chỉ là sự so sánh giả tạm giống như đứng núi này trông núi nọ mà thôi.
____
Anh có thể chia sẻ bản chất công việc của anh ở ELS?
ELS ở Việt Nam không dạy tiếng Anh mà chuyên về tư vấn, đào tạo, tuyển sinh cho các trường đại học ở Mỹ. Thực tế công việc của chúng tôi là cầu nối cho sinh viên Việt Nam, các trường đại học ở Việt Nam và trường đại học ở Mỹ.
____
Anh có nhận xét gì về sinh viên du học của Việt Nam?
Sinh viên Việt Nam sau khi du học có ý thức tôn trọng bản thân hơn ở chỗ là họ học được cách nói và bảo vệ chính kiến của mình. Điều đó rất quan trọng với người trẻ. Ở Việt Nam, nói chung học sinh, sinh viên được khuyến khích phải phát triển theo một hướng nào đó mới được đánh giá là tốt. Giáo dục ở Việt Nam lâu nay không khuyến khích học sinh, sinh viên tìm tòi và thể hiện sự khác biệt.
____
Theo hiểu biết của anh thì sinh viên sau khi du học có muốn về nước làm việc không?
Tôi nghĩ là các bạn trẻ rất muốn về nhưng chính phủ không tạo hấp lực cho du học sinh về làm việc. Đó là sự mất mát cơ hội rất lớn cho nhà nước Việt Nam và người dân Việt Nam nói chung. Mặt khác, nhu cầu nghệ thuật trong đời sống người Việt chưa được đề cao và cho đủ tự do để thể hiện. Phim ảnh ở Việt Nam phần lớn đều nhắm vào khai thác thị hiếu thích xem cái gì hấp dẫn, bình dân và kịch tính. Nếu không là tệ nạn xã hội thì toàn những những tình cảm tiêu cực, những tình yêu oan trái, sướt mướt… Triển lãm tranh ảnh nghệ thuật thì mới thấy đề tài “Nude” là đã bị cấm triển lãm, trong khi “Nude” từ lâu đã được cho là rất bình thường trong nghệ thuật ở phương Tây. Bởi vậy, rất nhiều du học sinh học về các ngành nghệ thuật cũng rất đắn đo khi tìm một mảnh đất để lập thân.
Văn hóa sinh hoạt của người Việt rất giàu lòng vị tha và tính nâng đỡ lẫn nhau. Văn hóa ấy được truyền xuống từ đời này sang đời khác. Đó là điều cho tôi lạc quan nhất!
____
Anh làm việc rất gần với ngành giáo dục, anh dự báo gì lạc quan về giáo dục Việt Nam trong tương lai?
Tôi biết có những người nghệ sĩ không hề học cao nhưng sự thể hiện nghệ thuật của họ thật sáng chói. Có những người học ở trường rất thông minh, bằng cấp này nọ, nhưng văn hóa ứng xử trong cuộc sống sinh hoạt bình thường lại kém cỏi. Tôi nghĩ bản chất của giáo dục không phải là truyền đạt kiến thức, mà là dạy cho con người cách tôn trọng bản thân. Lòng tự trọng sẽ hướng mỗi người tự phát triển năng lực của mình theo hướng gần với chân, thiện, mỹ. Văn hóa sinh hoạt của người Việt rất giàu lòng vị tha và tính nâng đỡ lẫn nhau. Văn hóa ấy được truyền xuống từ đời này sang đời khác. Đó là điều cho tôi lạc quan nhất! Trong tương lai chắc chắn nền giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi và quan trọng là Chính phủ Việt Nam đã nhận ra điều đó. Bởi vì nếu không thay đổi, thế hệ trẻ ở Việt Nam sẽ không chịu ngồi yên nhìn hay khoanh tay đứng nhìn đâu.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này. Chúc anh tiếp tục có “Một góc nhìn khác” sâu sắc và lý thú trên DNSGCT…