Theo Lee Akst – giáo sư Đại học Y khoa Johns Hopkins: “Nghiên cứu mới đã xác định những nguy cơ ảnh hưởng đến thính lực từ các chất gây ô nhiễm cho đến các vấn đề sức khỏe phổ biến khác”. Dưới đây là một số nguy cơ cần cảnh giác.
Cao huyết áp
Khảo sát ở 284 người cao huyết áp và mất thính lực, độ tuổi 45-64, các nhà nghiên cứu phát hiện khoảng 18% những người có huyết áp bình thường bị mất thính lực nhẹ, so với những 34% người có huyết áp hơi cao, và hơn 54% người có huyết áp tăng đáng kể bị mất thính lực.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng, theo thời gian các mạch máu nhỏ ở tai trong sẽ bị tổn hại, khiến càng dẫn đến nhiều vấn đề về thính giác khi bạn lớn tuổi. Do vậy, hãy thường xuyên kiểm tra huyết áp. Nếu huyết áp tăng, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để đưa mức huyết áp trở lại bình thường.
Bất thường về cholesterol
Nghiên cứu trên 3.488 đàn ông trung niên và lớn tuổi bị mất thính lực cho thấy có mối liên quan nhỏ nhưng đáng kể giữa mức cholesterol bất thường và các vấn đề về thính lực. Nếu mức cholesterol nằm trong vòng nguy hiểm, hãy đến gặp bác sĩ. Mặc dù mối liên quan giữa cholesterol và thính lực vẫn còn nhiều tranh luận nhưng việc hạ cholesterol có thể giúp phòng ngừa những nguy cơ gây hại cho tai.
Hút thuốc lá
Qua khảo sát 3.315 người, các chuyên gia Hà Lan phát hiện hút thuốc lá tăng nguy cơ mất thính lực đáng kể ở đàn ông và phụ nữ, ngay cả hút thuốc lá thụ động. Dữ liệu từ 164.770 người ở độ tuổi 40-69 tại Vương quốc Anh cũng cho thấy những người hút thuốc lá mất thính lực nhiều hơn 15% so với người không hút. Còn người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mất thính lực nhiều hơn 28% so với không hút. Càng hút thuốc lá nhiều nguy cơ mất thính lực sẽ càng cao.
Bệnh tiểu đường
Những người bệnh tiểu đường tăng nguy cơ mất thính lực cao gấp hai lần so với người không mắc bệnh. Tăng đường huyết mạn tính làm hỏng các mạch máu, và theo thời gian lượng đường trong máu cao có thể gây hại các mao mạch nhỏ cung cấp máu cho tai trong. Để phòng ngừa, hãy thường xuyên kiểm tra đường huyết. Nếu đường huyết tăng quá cao, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để chọn chương trình tập luyện phù hợp, ăn uống lành mạnh và uống thuốc nếu cần thiết.
Thừa cân
Dữ liệu của hơn 64.000 phụ nữ ở Boston, Hoa Kỳ cho thấy những người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể – Body Mass Index – dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người) trong khoảng 30-34 có nguy cơ mất thính lực cao hơn 17% so với những người có chỉ số BMI dưới 25.
Phụ nữ có chỉ số BMI 40 hoặc cao hơn, được xem là béo phì, nguy cơ mất thính lực cao hơn 25%. Một người có vòng eo chu vi từ 88,9cm hoặc lớn hơn cũng dễ có nguy cơ mất thính lực. Tập thể dục, đơn giản như đi bộ, có thể phòng ngừa mất thính lực vì những người hoạt động thể chất nhiều sẽ giảm mất thính lực ít hơn 17% so với người ít vận động.
Chất gây ô nhiễm từ kim loại nặng
Có mối liên quan giữa kim loại nặng, cadmium từ khói thuốc lá và ô nhiễm không khí, đến mất thính lực. Để tránh phơi nhiễm cadmium, không nên hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc.
Nhiễm trùng xoang
Dễ bị cảm lạnh hoặc dị ứng do tắc nghẽn xoang có thể gây khó khăn cho thính lực. Viêm tai giữa cấp tính có thể xảy ra khi cảm lạnh, dị ứng hoặc nhiễm vi khuẩn, vi-rút, làm tích tụ mủ và dịch nhầy sau màng nhĩ. Cùng với mất thính lực tạm thời, có thể kèm theo đau tai và sốt. Hãy rửa tay thường xuyên và tránh chạm tay vào mũi hoặc mắt để phòng bệnh cảm lạnh và cúm. Tránh xa khói thuốc lá, vì có thể gây nhiễm trùng xoang làm nhiễm trùng tai thêm nghiêm trọng.