Trong quản lý, có những lúc sự kiên nhẫn của người làm sếp bị thử thách vì nhân viên thiếu động lực, chống lại yêu cầu hay bởi vì một hoặc nhiều nhân viên có vấn đề nào đó. Và cho dù là sếp, nhưng không có nghĩa là họ hoàn hảo. Đôi lúc, họ cũng nói những điều khiến mình phải tiếc nuối sau đó.
Tuy nhiên, làm sếp thì cần nên cẩn trọng trong giao tiếp bằng lời nói, không nên nói những lời thiếu cân nhắc khi giận dữ. Những sơ sẩy trong lời nói chỉ làm cho nhân viên chán nản và khiến cho vấn đề càng lớn thêm mà thôi. Có những câu nói mà người sếp đặc biệt nên tránh. Một phản ứng nóng vội có thể gây tổn hại uy tín và hủy hoại niềm tin của nhân viên đối với họ.
- Xem thêm: Những điều không nên nói với nhân viên
“Tôi là sếp. Hãy làm như tôi nói”
Nếu người quản lý đặt ra cho nhân viên những tiêu chuẩn khác với mình và buộc cấp dưới phải tuân theo thì không thể mong đợi nhân viên sẽ tôn trọng yêu cầu của họ.
“Anh may mắn mới có được công việc này”
Nếu sếp thật sự có suy nghĩ như thế về bất cứ nhân viên nào đó thì có lẽ sếp mới là người may mắn có được vị trí này. Không ai có thể làm việc tốt trong một môi trường mà họ buộc phải cảm thấy như đang mắc nợ người thuê mình. Tư duy “lính phải phục tùng sếp” thì thiếu chín chắn và chỉ là một bằng chứng cho thấy sếp thiếu kỹ năng lãnh đạo.
“Nếu anh không thích, tôi sẽ tìm người khác làm”
Bất cứ ai cũng có thể tự gọi mình là sếp, nhưng một cấp trên giỏi sẽ biết cách khích lệ nhân viên và tạo ra kết quả. Đe dọa sẽ làm nhân viên mất việc để buộc họ làm điều mình muốn là chuyện không nên. Có thể họ cũng làm theo “lệnh” đó, nhưng họ sẽ chán nản và không sẵn lòng làm nhiều hơn “mức tối thiểu để tồn tại”. Và biết đâu họ sẽ không ngần ngại ra đi ngay.
“Tôi không quan tâm là anh nghĩ gì”
Câu nói này sẽ làm cho nhân viên nản lòng và không muốn tham gia vào bất cứ cuộc đối thoại nào. Họ chỉ muốn “giữ im miệng” và không muốn góp ý tưởng vì những đề nghị của họ không được cấp trên xem xét. Điều này sẽ tạo ra một môi trường tiêu cực, hạn chế sự phát triển của nhân viên và doanh nghiệp.
“Tại sao anh luôn là người gặp rắc rối với chuyện này?”
Nếu một nhân viên luôn chống đối hoặc có vấn đề về khả năng làm việc thì người quản lý nên sớm trao đổi trực tiếp và giải quyết ngay những chuyện này. Còn nếu một nhân viên khá hợp tác và chỉ gây khó khăn vì một tình huống cụ thể nào đó, thì có lẽ vấn đề ở đây là cấp trên không sẵn sàng lắng nghe đề xuất và giải pháp của họ.
- Xem thêm: Đừng để nhân viên thiếu gắn kết vì sếp
Hoặc đơn giản là họ có một ngày không suôn sẻ lắm. Dù vấn đề là gì đi nữa, đừng giả định là họ “cứng đầu” và hoàn toàn không nên có câu hỏi như vừa nêu ở trên. Và không bao giờ nên so sánh nhân viên với nhau. Chuyện này cũng không khác gì so sánh “con trẻ trong gia đình” – và luôn là một ý tưởng tồi.
“Tôi không có thời gian cho chuyện này”
Anh không nói chơi chứ? Anh là sếp mà. Anh phải có thời gian! Thay vì từ chối yêu cầu của nhân viên, hãy dành ra vài phút để thực sự lắng nghe họ.
“Anh không biết stress là gì”
Mọi người đều có những căng thẳng riêng. Một người có thể cho rằng mình phải chịu áp lực lớn hơn người khác, nhưng không có nghĩa là họ có quyền xem nhẹ chuyện của người khác.